Tại Hội nghị trực tuyến toàn ngành ngân hàng về công tác tín dụng và triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN ngày 14-4, ông Nguyễn Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cho biết định hướng tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 12%. Với các giải pháp tổng thể, tăng trưởng tín dụng đã dần hồi phục trong thời gian qua. Đến ngày 31-3, tín dụng nền kinh tế đạt trên 9,46 triệu tỉ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2020.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chủ trì hội nghị sáng 14-4 .Ảnh: NGỌC KHÁNH
Về cơ cấu tín dụng, ngành ngân hàng tập trung vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên. Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên đều có tăng trưởng dương, trong đó tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 2,5%; công nghiệp hỗ trợ tăng 3,04% (là 2 lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn so cùng kỳ năm 2020); tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng khoảng 0,5%; lĩnh vực xuất khẩu tăng 2,5%...
Đáng chú ý, dư nợ đầu tư kinh doanh chứng khoán trên 45.300 tỉ đồng, giảm nhẹ 1%; tín dụng bất động sản khoảng 1,85 triệu tỉ đồng, tăng 3% so với cuối năm 2020. Tín dụng vào chứng khoán trong tháng 11 và tháng 12-2020 tăng trưởng khá nóng, sang tháng 1-2021 đã giảm khoảng 10%, từ tháng 3 lại tiếp tục tăng trở lại, đưa về con số giảm 1% so với cuối năm 2020.
"Các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn được NHNN tiếp tục kiểm soát chặt như tín dụng dụng BOT, BT giao thông khoảng trên 108.000 tỉ đồng, giảm 0,15%; tín dụng phục vụ đời sống đạt gần 1,87 triệu tỉ đồng, chỉ tăng 1,2%" - ông Tuấn Anh cho biết, đồng thời khẳng định một số lĩnh vực có mức tăng trưởng cao hơn mức bình quân như tín dụng bất động sản, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, cùng với đó là sự sôi động của thị trường bất động sản, chứng khoán trong nước và trên thế giới thời gian qua có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hoạt động hệ thống, NHNN sẽ tiếp tục nhận diện và có biện pháp phòng ngừa.
Liên quan đến việc triển khai Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 17-5-2021, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ với các khoản nợ phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23-1-2020 đến hết năm 2021. Tuy nhiên, NHNN vẫn giữ nguyên quy định thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ được thực hiện đến ngày 31-12-2021.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank), cho hay hiện nhiều ngành đã hồi phục, song riêng lĩnh vực lưu trú, lữ hành, đặc biệt là tại khu vực miền Trung như Đà Nẵng, Khánh Hòa..., vẫn còn nhiều khó khăn. "Trong khi các ngành khác đã có sự phục hồi thì lĩnh vực lưu trú vẫn khó khăn kéo dài. Thông tư 03 áp dụng cơ cấu nợ thêm 12 tháng kể từ ngày được cơ cấu nợ là vẫn rất khó, nên kéo dài thêm thời hạn cơ cấu nợ với nhóm khách hàng này. Chúng tôi đang làm việc với các khách hàng khu vực này để tìm hướng giải quyết và đưa ra kiến nghị" - bà Hà cho hay.
Cũng theo phó tổng giám đốc MB Bank, năm 2020, cùng với thực hiện cơ cấu nợ cho khách hàng, MB Bank đã tiến hành giảm lãi suất cho vay để giảm áp lực trả nợ cho khách hàng, nhờ vậy việc trả nợ của khách hàng rất tích cực. Hiện nay, đã có 80% khách hàng được cơ cấu nợ của MB Bank trả nợ đúng hạn; 20% khách hàng chưa thể trả nợ đúng hạn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực lưu trú, du lịch, dịch vụ.
Về vấn đề phải áp dụng trích lập dự phòng rủi ro cho nợ cơ cấu bắt đầu từ năm nay, bà Hà cho rằng việc giãn thời gian trích lập dự phòng trong 3 năm là phù hợp với tổ chức tín dụng.
Lãnh đạo nhiều ngân hàng thương mại cũng lạc quan tin tưởng kinh tế phục hồi khiến khả năng trả nợ của khách hàng tốt hơn. Bên cạnh đó, áp lực tăng trích lập dự phòng khiến ngân hàng tăng cường hoạt động thu hồi nợ, gây sức ép trả nợ với khách hàng. Một khi khách hàng trả nợ đúng hạn, sức ép trích lập dự phòng rủi ro sẽ giảm bớt.
Bình luận (0)