Tiếp nối đà tăng mạnh từ phiên trước, chứng khoán Việt bước vào phiên giao dịch ngày 24-7 với trạng thái tích cực. Sắc xanh được giữ xuyên suốt phiên sáng. Đến đầu phiên chiều, áp lực bán gia tăng khiến VN-Index lùi bước. Thế nhưng nhờ sự nỗ lực của dòng tiền, thị trường dần tăng điểm trở lại.
Kết phiên, chỉ VN-Index tăng 4,82 điểm (+0,41%), đóng cửa tại 1.190 điểm. Thanh khoản tăng so với phiên trước với 990 triệu cổ phiếu được khớp lệnh trên sàn HOSE.
Công ty Chứng khoán BSC nhận định thanh khoản cao đang ủng hộ đà tăng VN-Index. Nhiều khả năng chỉ số này sẽ kiểm tra lại ngưỡng 1.200 điểm trong phiên tiếp theo.
Với vùng điểm này, ông Nguyễn Huy Phương, Phó phòng Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), dự báo nguồn cung cổ phiếu sẽ gây áp lực lên thị trường. Do vậy, nhà đầu tư có thể nắm giữ cổ phiếu từng tăng giá và hiện tại đang đi ngang, đồng thời cân nhắc chốt lời các cổ phiếu đã tăng giá đến vùng cản để cân đối lại danh mục đầu tư.
Theo dõi thị trường, ông Trần Minh Hoàng, Giám đốc Nghiên cứu và phân tích, Công ty Chứng khoán VCBS, nhận định chỉ số VN-Index vẫn đi lên trong phiên tiếp theo, gắn liền sự phân hóa luân phiên dòng tiền giữa các nhóm ngành.
"Nhà đầu tư chỉ nên gia tăng tỉ trọng từ 20 – 30% đối với cổ phiếu đang có xu hướng thu hút dòng tiền như thủy sản, bất động sản, thép…"- ông Hoàng khuyến nghị
Thế nhưng, ông Vũ Thành Huy, chuyên viên phân tích của Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC), cho rằng giá cổ phiếu nhóm ngành xây dựng, bất động sản đang tăng nóng, có lẽ nhờ vào thông tin các gói thầu sân bay Long Thành chuẩn bị tìm ra doanh nghiệp trúng thầu, khiến dòng tiền phân hóa mạnh mẽ giữa các cổ phiếu.
"Những diễn biến trên thị trường đang nghiêng về kỳ vọng của nhà đầu tư, không dựa trên thực lực hoạt động của doanh nghiệp niêm yết. Đơn cử, ngày 24-7, các mã cổ phiếu bất động sản như NLV tăng giá kịch trần 6,9% với gần 96 triệu cổ phiếu trao tay, DIG tăng 0,8%, PDR tăng 2,6%, DXG tăng 2,7%, KDH tăng 4,2%... chủ yếu là do nhà đầu tư nôn nóng nhóm doanh nghiệp này sớm hồi phục kinh doanh.
Trong khi đó, thị trường bất động sản chỉ mới giảm thiểu khó khăn khi số lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn thanh toán được giãn sang năm 2024. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cần phải có thời gian rất dài mới phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp địa ốc tăng trưởng trở lại" - ông Huy nói.
Bình luận (0)