Ngày 1-8, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thích, Giám đốc HTX gạo Tân Long (Hậu Giang), cho biết trước đây mỗi ngày HTX của ông đưa ra thị trường 20.000 quả trứng vịt nhưng từ khi các nơi giãn cách xã hội HTX không tiêu thụ được trứng vịt do các mối mua hàng truyền thống ngưng mua hàng.
"Nhờ sự kết nối thông tin của Tổ công tác đặc biệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở ngành, chúng tôi đã ký được hợp đồng bán toàn bộ sản lượng cho 3 đơn vị tại TP HCM như: Công ty Agrifresh, CLB thị trường Saigon Times,…. Ngoài ra, chúng tôi còn bán được 5 tấn gạo cho thị trường TP HCM với giá bình ổn, thậm chí rẻ hơn trước kia để hỗ trợ người tiêu dùng" – ông Thích chia sẻ.
Theo ông Thích, sở dĩ HTX vẫn chốt được hợp đồng nhanh chóng và giao dịch thành công là nhờ đã chuẩn bị hồ sơ pháp lý đầy đủ về cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, công bố sản phẩm,… nên các đối tác nhận hàng rất yên tâm. Ngoài ra, HTX còn có xe chở hàng lên TP HCM và thực hiện đủ các yêu cầu để được vận chuyển hàng hóa thiết yếu. Còn đối với nông sản bán xô, HTX chưa có chứng nhận, cần người đến tận nơi thu mua thì sẽ khó khăn rất nhiều trong bối cảnh giãn các như hiện nay.
Đây là một trong các trường hợp đã được sự hỗ trợ kịp thời của cơ quan chức năng khi hàng hóa lưu thông bị vướng mắc do Covid-19.
Trong nhóm zalo của tổ công tác đặc biệt của ngành nông nghiệp, phóng viên còn ghi nhận có nhiều xe chở rau, trứng gặp vướng ở các chốt kiểm dịch đã được xử lý kịp thời, giúp hàng hóa được lưu thông.
Quầy sữa và sản phẩm chế biến từ sữa, mặt hàng hàng thời gian qua một số địa phương cho là "không thiết yếu" nên lưu thông khó khăn
Hay như trường hợp của ngành sữa, khi các tỉnh, thành phía Nam áp dụng Chỉ thị 16 để chống dịch, một số địa phương đã không cho cửa hàng sữa hoạt động vì không phải là mặt hàng thiết yếu.
Ngày 27-7 vừa qua, Tổ công tác đặc biệt của Bộ Công Thương đã có buổi làm việc với Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) về khó khăn của doanh nghiệp khi một số quận/huyện trên địa bàn các tỉnh/thành phố khu vực ĐBSCL: gồm Sóc Trăng, Cần Thơ, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh... không cho cửa hàng bán sữa của Vinamilk được hoạt động. Lý do được các địa phương này đưa ra là sữa không phải là mặt hàng thiết yếu. Tại TP HCM cũng có một số chốt trạm yêu cầu tài xế lái xe tải, xe gắn máy chở sữa quay đầu xe về đơn vị với lý do tương tự.
Trước vướng mắc đó, Bộ Công Thương đã nỗ lực phối hợp với các địa phương, ngành giao thông vận tải để tháo gỡ dần việc ùn ứ tại các chốt kiểm dịch.
Sau đó, Bộ Công Thương đã có bước tháo gỡ đột phá theo hướng không ban hành danh mục hàng hóa thiết yếu được phép lưu thông khi thực hiện giãn cách mà sẽ đưa ra danh mục hàng hóa cấm vận chuyến.
Căn cứ kiến nghị của Bộ Công Thương, ngày 29-7-2021, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 5187/VPCP-CN về việc tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19. Theo đó, tất các loại hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân được vận chuyển, lưu thông (trừ hàng hóa cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật). Quy định này đã cơ bản tháo gỡ vướng mắc lớn nhất thời gian qua về danh mục hàng hóa thiết yếu, đã gây ùn ứ tại các chốt kiểm soát, góp phần đảm bảo mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế của Chính phủ, được cộng đồng DN ủng hộ.
Bình luận (0)