Tại vùng đất huyện Hàm Thuận Nam, nơi được xem là "vương quốc" thanh long của cả nước, với diện tích gần 15.000 ha, xen kẽ giữa những vườn thanh long ruột trắng truyền thống, trang trại của ông Nguyễn Văn Vượng (xã Hàm Minh) nổi bật hơn cả nhờ giống trái vỏ vàng bắt mắt. Trước đó, nhận thấy những giống truyền thống không mang lại giá trị kinh tế như mong muốn, ông sang tận đất nước Israel xa xôi để đưa về giống thanh long vỏ vàng. Hơn 2 năm sau ngày xuống giống, vườn thanh long vỏ vàng rộng 16 ha của ông Vượng đang cho trái tươi tốt. Ruột thanh long vỏ vàng có màu trắng đục như tổ yến, mùi thơm như trái vải thiều.
"Về kỹ thuật, thanh long vỏ vàng dễ trồng hơn thanh long ruột đỏ và đặc biệt là hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Đây cũng là điều kiện cơ bản để tôi dự tính đưa trái thanh long này vào các thị trường khó tính như Nhật, Hàn Quốc và một số nước Trung Đông. Vừa qua, một số đối tác nước ngoài đặt vấn đề tiêu thụ nhưng do dịch nên họ hẹn sang năm sẽ xúc tiến nhập khẩu. Giá bán dự kiến của thanh long vỏ vàng từ 300.000-400.000 đồng/kg" - ông Nguyễn Văn Vượng nói.
Vườn thanh long vỏ vàng của ông Nguyễn Văn Vượng
Cách trang trại ông Vượng gần 20 km, anh Lê Văn Thanh, một nông dân trẻ ở xã Tân Lập, Hàm Thuận Nam đang chăm chút từng trụ thanh long giống mới nhập từ Ecuador. Đây là giống thanh long được anh Thanh tự đưa về để phát triển tại Bình Thuận. Sau gần 3 năm, hiện các gốc thanh long bắt đầu cho trái. "Đây là loại có trái có dinh dưỡng cao, thời gian canh tác dài hơn thanh long thường nên ở nước ngoài có giá khá đắt, từ 700.000-800.000 đồng/kg. Khi xuống giống, tôi đã tìm thị trường cho trái thanh long này và cũng đang cung cấp giống cho những hộ có nhu cầu" - anh Thanh tiết lộ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Huy Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Bình Thuận - cho biết tại 2 huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc đang có nhiều trang trại, hộ cá thể thử nghiệm các giống thanh long mới, với diện tích khoảng 100 ha. Ngoài thanh long ruột trắng truyền thống, nhiều giống mới đã có mặt trên thị trường như thanh long Ecuador, thanh long vỏ vàng, tím hồng, đỏ… Đa số nông dân, trang trại tự mày mò rồi trồng.
Trong những năm qua, cây thanh long của tỉnh Bình Thuận đã không ngừng tăng nhanh cả về diện tích và sản lượng. Toàn tỉnh hiện có khoảng 30.000 ha trồng thanh long, sản lượng hằng năm khoảng 600.000 tấn, năng suất đạt 21,7 tấn/ ha. Thanh long ruột trắng vẫn là cây trồng chủ lực và khoảng 90% thị trường xuất khẩu là Trung Quốc. Đối với các giống thanh long mới, có giá trị kinh tế cao đang được địa phương khuyến khích phát triển nhưng cần lưu ý tiêu chuẩn sản xuất sạch cũng như diện tích phát triển gắn liền với thị trường.
"Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị để những giống mới được công nhận. Để sản xuất bền vững, các trang trại cần tập trung sản xuất theo hướng an toàn và đặc biệt là canh tác đại trà theo tiêu chuẩn GAP, chú trọng phát triển theo chuỗi giá trị, ứng dụng các công nghệ cao để đáp ứng những thị trường khó tính" - ông Trần Văn Lanh, Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Thuận Nam, thông tin.
Bình luận (0)