Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho thấy trong tháng 11, xuất khẩu gỗ và lâm sản tiếp tục duy trì ở mức cao tương đương các tháng trước, đạt trên 1 tỉ USD. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu gỗ đạt 11,7 tỉ USD, tăng 1,6 tỉ USD so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường Mỹ trở thành nơi tiếp nhận nhóm mặt hàng này của Việt Nam nhiều nhất.
Bắt được nhịp tăng của thị trường
Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành có tổng giá trị đơn hàng đến hết quý III đạt xấp xỉ 324 tỉ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng giá trị đơn hàng trong tháng 9 đã tăng gấp ba lần tháng trước. Có những tuần cao điểm, doanh nghiệp (DN) này nhận tổng đơn hàng xấp xỉ 1,5 triệu USD. Hiện DN đã ký nhiều đơn hàng mới cho năm sau. Báo cáo tài chính quý III cho thấy công ty này đạt doanh thu gần 106,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 21,8 tỉ đồng, tăng gần 16% so với quý III năm trước.
"Ngoài tiêu thụ trong nước thì Hàn Quốc, Nhật và một số nước châu Âu là những thị trường mang về nguồn thu chủ lực cho chúng tôi. Sản phẩm gỗ gia dụng và nhà bếp tiếp tục chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu. Chúng tôi đã hoàn thành kế hoạch nhận đơn hàng năm 2020 sớm ngay trong quý III và tăng đến 30% so với cùng kỳ năm ngoái" - đại diện Công ty CP Chế biến Gỗ Đức Thành cho hay.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Scansia Pacific, cho biết do đơn hàng tăng trong khi nhân công thiếu hụt, DN chỉ dám ký hợp đồng từ khách quen, từ chối khách hàng mới vì sợ không hoàn thành kịp hợp đồng.
Dù bị ảnh hưởng nhưng ngành gỗ vẫn tăng trưởng tốt trong dịch Covid-19Ảnh: NGUYỄN HẢI
Ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, lý giải một trong những nguyên nhân giúp nhóm DN ngành gỗ xuất khẩu tốt trong bối cảnh hầu hết các ngành lao đao là nhờ nhiều người tiêu dùng trên thế giới phải làm việc tại nhà, dẫn đến nhu cầu mua sắm đồ trang trí nội, ngoại thất tăng. Ngoài ra, một số khách hàng trước đây thu mua đồ gỗ từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang Mỹ đã chuyển sang mua đồ gỗ từ Việt Nam để tránh bị đánh thuế cao. Mặt khác, dù dịch Covid-19 ảnh hưởng đến tình hình sản xuất tại nhiều nước nhưng DN gỗ Việt Nam hầu như vẫn duy trì được hoạt động do nguồn cung nguyên liệu gần như không bị ảnh hưởng.
Tận dụng thời cơ
Ngành xi-măng trong đại dịch Covid-19 vấp phải khó khăn khá lớn khi cảng biển tại một số khu vực trên thế giới bị phong tỏa và chỉ được mở lại vào cuối tháng 4-2020. Bối cảnh khủng hoảng cũng khiến giá xuất khẩu clinker (nguyên liệu để sản xuất xi-măng) hiện tại giảm sâu, xuống còn 29,5 USD/tấn so với mức 39 USD/tấn năm 2019. Tuy vậy, ngành này vẫn ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu cả về lượng và trị giá. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy 3 quý đầu năm 2020, ngành xi-măng xuất khẩu trên 28 triệu tấn sản phẩm, thu về hơn 1 tỉ USD. So với cùng kỳ 2019, sản lượng xi-măng, clinker xuất khẩu đã tăng gần 21% về lượng và tăng 6,2% về trị giá. Mức tăng trưởng về trị giá trong khi giá bán sụt giảm là nhờ tăng mạnh về sản lượng xuất khẩu.
Hiệp hội Xi-măng Việt Nam ghi nhận tình hình tiêu thụ xi-măng ở kênh nội địa nửa đầu năm 2020 giảm 12% so với cùng kỳ do hoạt động xây dựng chững lại bởi đại dịch. Tuy nhiên, gần đây, tiêu thụ xi-măng đã hồi phục, đặc biệt tăng mạnh ở kênh xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sang Trung Quốc. Dự báo, nhu cầu xi-măng tại các thị trường tiêu thụ sẽ tăng 3%-5% trong năm 2021, giúp DN Việt Nam trong ngành này có nhiều cơ hội hơn.
Trong nhóm ngành thép, đại diện Công ty CP Thép Pomina cho biết tiêu thụ sắt thép trong nước từ 2 tháng qua đã tăng trở lại. Đáng lưu ý, trong tháng 5 và 6 vừa qua, dù dịch Covid-19 vẫn còn gây ảnh hưởng lớn, xuất khẩu thép của DN vẫn tăng đáng kể và duy trì "phong độ" đến thời điểm hiện nay. "Xuất khẩu từ giữa năm tới nay của công ty tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Canada, khu vực ASEAN..." - đại diện Công ty CP Thép Pomina thông tin.
Thông tin từ Hiệp hội Thép Việt Nam cũng cho thấy xuất khẩu sắt, thép của các DN từ quý III đến nay tăng trưởng khá tốt. Trong đó, sản phẩm thép xuất sang Trung Quốc chiếm tỉ trọng khá lớn nhờ nước này tăng nhu cầu sau cao điểm dịch Covid-19 bùng phát, trong khi nguồn cung của nước này không thể đáp ứng. "Không chỉ xuất khẩu tăng mà tiêu thụ sắt, thép trong nước cũng tăng trở lại nhờ Chính phủ quyết liệt thúc đẩy các gói đầu tư công" - ông Trịnh Khôi Nguyên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, nhìn nhận.
Hàng xuất khẩu qua kênh trực tuyến tăng
Mua sắm đồ gia dụng, đồ trang trí nhà cửa… trên các trang bán hàng trực tuyến có dấu hiệu tăng mạnh do trong giai đoạn dịch Covid-19 buộc nhiều người phải làm việc tại nhà. Chị Hoàng Thảo Vy (ngụ quận 2, TP HCM), kể trong thời gian giãn cách xã hội, hầu như ngày nào chị cũng mua sắm vài món đồ gia dụng qua mạng, trong khi trước đây chị không thích mua hàng online.
Xuất khẩu trực tuyến thông qua các nền tảng thương mại điện tử cũng ghi nhận tăng trưởng tốt trong mùa dịch. Ông Trần Xuân Thủy, Giám đốc Amazon Global Selling Việt Nam, nhận định do các nước trên thế giới, đặc biệt là Mỹ, buộc phải cách ly, làm việc tại nhà… nên thói quen tiêu dùng cũng thay đổi rất lớn. Đa phần người Mỹ khi làm việc tại nhà quan tâm đến các sản phẩm trang trí gia đình, đồ nội thất, đồ làm bếp, đồ làm vườn… Đây là những nhóm hàng có tăng trưởng lớn trên nền tảng Amazon. "Nhà bán hàng Việt Nam nhờ có sản phẩm đáp ứng đúng nhu cầu đang thay đổi của người tiêu dùng nên đã có doanh số tăng trưởng tốt trong những tháng đầu năm cho đến nay, dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục duy trì sang năm tới. Ngay cả những sản phẩm đồ gỗ nội thất có kích thước và trọng lượng lớn, khó tối ưu hóa chi phí vận tải cũng được xuất khẩu qua kênh trực tuyến" - ông Thủy giải thích.
Bình luận (0)