Chiều 13-1, TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch HĐQT Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, cho biết đến chiều 12-1, cơ bản công tác bóc tách, thực hiện hủy kết quả giao dịch bán 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết vào ngày 10-1. Nhiều nhà đầu tư đã được trả lại tiền đối ứng để mua số cổ phiếu này.
Theo TS Nguyễn Sơn, ngay khi được thông báo huỷ lệnh giao dịch, các dữ liệu cần hủy đã được gửi cho các thành viên lưu ký chứng khoán để thông báo với nhà đầu tư và cơ bản họ cũng đã xử lý xong. Đã có gần 20.000 tài khoản của nhà đầu tư đã thực hiện mua lô cổ phiếu FLC này. "Đây là sự việc chưa có tiền lệ trên thị trường chứng khoán Việt Nam, vì vậy cũng ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường trong mấy ngày qua"- ông Sơn nhận định.
Trong ngày 10-1, có tổng cộng 135 triệu cổ phiếu FLC được khớp lệnh, nhưng cơ quan chức năng chỉ thực hiện hủy lệnh bán 74,8 triệu của phiếu của ông Trịnh Văn Quyết, số còn lại vẫn giao dịch bình thường.
Nhiều mã chứng khoán giảm sàn, trong đó có nhóm cổ phiếu liên quan ông Trịnh Văn Quyết đã trắng bên mua
Theo quy chế giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thì có nội dung cho phép huỷ lệnh giao dịch nếu lệnh này không phù hợp, ảnh hưởng đến quyền lợi nhà đầu tư thì xem xét huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ lệnh.
Câu chuyện tiếp theo về tài khoản của ông Quyết khi nào được giải phong toả và có được giao dịch phần cổ phiếu còn lại trong tổng số 175 triệu cổ phiếu đăng ký bán hay không còn phải chờ cơ quan chức năng xem xét và ra quyết định xử lý.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đông Á (DAS), cho biết ngay khi có chỉ đạo của Uỷ Ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN), HoSE, cũng như công văn của Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam về việc hủy lệnh, điều chỉnh thông tin thanh toán giao dịch chứng khoán ngày 10-1 đối với cổ phiếu FLC thì công ty ông đã có thông báo ngay đến khách hàng về việc hủy giao dịch trên những tài khoản có lệnh mua (bao gồm giá trị và phí giao dich) đối ứng cổ phiếu FLC vào ngày 10-1 (ngày thanh toán ngày 12-1). Theo đó, chuyên viên công nghệ của DAS và các công ty chứng khoán khác đã tiến hành tra soát theo lệnh từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán và thực hiện theo đúng quy định.
"Đây là một trường hợp hi hữu, chưa có tiền lệ với số lượng cổ phiếu giao dịch lớn bị hủy như vậy. Tìm hiểu thêm từ một số công ty chứng khoán lớn khác, chúng tôi được biết tại công ty họ, số lệnh phải hủy đợt này không lớn vì theo phân tích họ không tư vấn nhà đầu tư mua mã FLC, đồng thời không cung cấp margin (vay dùng đòn bẫy) cho mã chứng khoán FLC vì cho rằng mã chứng khoán này có tính đầu cơ cao, rủi ro" - ông Tuấn nhận định.
Trong phiên giao dịch ngày 13-1, nhóm cổ phiếu bất động sản tiếp tục giảm mạnh, trong đó nhiều mã chứng khoán giảm sàn gần 7% trên sàn HOSE và 10% trên sàn HNX. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu có liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết tiếp tục giảm sàn đều đặn. Cụ thể FLC giảm còn 17.300 đồng, ROS giảm còn 12.050 đồng, HAI giảm còn 7.98 điểm, KLF giảm còn 7.800 đồng… với lượng dư bán giá sàn lên đến nhiều trăm triệu cổ phiếu và có rất ít người mua.
Bình luận (0)