Theo đó, UBND TP Buôn Ma Thuột khẳng định hình thức đầu tư như trên chưa đúng quy định tại Thông tư 02/2020 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tiêu chí kinh tế trang trại. Hình thức đầu tư này cũng sử dụng đất sai mục đích và lắp đặt hệ thống tấm pin chưa đúng quy định tại Quy định 13 của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam.
"Đề nghị Công ty Điện lực Đắk Lắk không đấu nối, ký kết hợp đồng mua bán điện với các cá nhân, tổ chức thực hiện thủ tục đầu tư trang trại nông nghiệp nhưng đầu tư hệ thống điện mặt trời áp mái vi phạm về xây dựng và sử dụng đất sai mục đích" - văn bản của UBND TP Buôn Ma Thuột nêu rõ.
Một hệ thống điện mặt trời áp mái tự phát bị sập - Ảnh: CTV cung cấp
Tại huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai), địa phương ghi nhận tình trạng tổ chức, cá nhân thi công các công trình điện năng lượng mặt trời áp mái một cách tự phát, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, để xảy ra cháy nổ, làm mất cảnh quan đô thị hiện tại và tương lai. Ngoài ra, cũng có tình trạng dự án điện mặt trời áp mái xin phép chủ trương đầu tư theo hình thức dự án nông nghiệp công nghệ cao, sau khi xây dựng sẽ lắp đặt hệ thống pin mặt trời trên mái, không đúng với nội dung xin phép xây dựng.
Do vậy, huyện Chư Sê đề nghị ngành điện chỉ đấu nối vào lưới điện đối với các dự án điện mặt trời áp mái khi đã có ý kiến của UBND huyện. Đồng thời, tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời nhưng chưa xin phép để xử lý theo quy định.
Tại tỉnh Khánh Hòa, Ban Quan lý Khu kinh tế tỉnh này cũng đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cấp giấy phép xây dựng cho hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng. Phúc đáp, Bộ Xây dựng nhấn mạnh việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng hiện hữu trong khu công nghiệp phải tuân thủ đầy đủ thủ tục đầu tư xây dựng: lập thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế và cấp giấy phép, quản lý chất lượng, phòng cháy chữa cháy… Như vậy, điện mặt trời trên mái nhà xưởng không được coi là điện mặt trời mái nhà bởi điện mặt trời mái nhà không cần đáp ứng cái yêu cầu Bộ Xây dựng nêu trên.
Trước các vướng mắc trong phân biệt điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời nối lưới, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Công Thương hướng dẫn các tiêu chí cụ thể để phân biệt hai hệ thống, tạo điều kiện thuận lợi cho việc định giá mua điện.
Đồng thời, EVN kiến nghị các hệ thống điện mặt trời công suất đến 1MW, đấu nối vào cấp điện áp dưới 35KV, có các tấm pin mặt trời lắp trên hệ thống khung giá đỡ (có mái hoặc không có mái), lắp đặt một phần trên mái nhà, một phần trên đất; các hệ thống điện mặt trời lắp trên mái nhà xưởng trong khu công nghiệp vừa mua điện của EVN để sử dụng vừa bán điện lên lưới của EVN qua máy biến áp 110 KV được ghi nhận là điện mặt trời mái nhà.
Đối với mô hình trang trại nông nghiệp kết hợp điện mặt trời với công suất nhỏ hơn hoặc bằng 1MW, EVN kiến nghị công nhận là điện mặt trời mái nhà.
Các trường hợp trang trại nông nghiệp có lắp đặt điện mặt trời với tổng công suất trên 1MW, EVN đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn thủ tục, trình tự thực hiện lắp đặt, thỏa thuận đấu nối, nghiệm thu an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường...
Bình luận (0)