Là người từng đi khảo sát trực tiếp tại nhiều địa phương để phục vụ xây dựng các dự án điện tái tạo, ông Lê Anh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty Ecotech Việt Nam, phản ánh với Báo Người Lao Động tình trạng ở không ít nơi, nhà đầu tư đi thuê đất nông nghiệp, đất bỏ hoang để đầu tư dự án điện mặt trời dưới 1 MW nhưng hưởng quyền lợi của điện mặt trời áp mái.
Đua nhau lách luật
Chuyện nêu trên không phải là cá biệt. Trong một cuộc họp mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng nêu thực trạng không ít dự án điện mặt trời có tấm pin lắp đặt trên hệ thống khung giá đỡ nằm trên đất (không có mái), công suất dưới 1 MW đấu nối vào lưới điện từ 35 KV trở xuống - cấp điện áp cho phép đấu nối với điện mặt trời mái nhà. Hoặc, dự án điện mặt trời đấu nối vào cấp điện áp này chỉ lắp đặt các tấm pin phần nhỏ trên mái nhà, phần lớn còn lại lắp trên đất của khách hàng sử dụng điện.
Như vậy, dù Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam đã nêu rõ dự án điện mặt trời mái nhà là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng và có công suất không quá 1 MW nhưng vẫn có nhiều nhà đầu tư lách luật. Cơ sở để lách luật nằm ở chỗ những dự án điện mặt trời nhỏ hơn 1 MW đều có thể được "nhắm mắt" coi là điện mặt trời áp mái. Hơn nữa, do rà soát thấy số lượng dự án dưới 1 MW rất nhiều nên bản thân EVN cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét dự án điện mặt trời công suất dưới 1 MW như kể trên là điện mặt trời mái nhà để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia lĩnh vực này, giúp giảm tải áp lực thiếu điện.
Không ít nhà đầu tư dự án điện mặt trời dưới 1 MW nhưng vẫn được hưởng quyền lợi của điện mặt trời áp mái Ảnh: NGUYỄN HẢI
Theo tìm hiểu của phóng viên, không phải không có lý do khiến những dự án điện mặt trời quy mô siêu nhỏ muốn được chen chân hưởng chế độ của điện mặt trời áp mái. Cụ thể, dự án điện mặt trời chỉ được phép nối lưới khi đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 23-11-2019 hoặc đã có trong quy hoạch phát triển điện lực các cấp và có ngày vận hành thương mại từ 1-7-2019 đến hết 31-12-2020. Với những dự án còn lại, giá mua điện được xác định thông qua cơ chế cạnh tranh. Do thế, dù đã được đầu tư nhưng nhiều dự án vẫn chưa biết số phận "đi đâu về đâu" với những quyết định liên quan còn thiếu đồng bộ. Việc lách luật để né bổ sung quy hoạch và dễ dàng nối lưới có thể được coi là một trong những giải pháp của chủ đầu tư.
Ngăn chặn sự bất bình đẳng
Tuy nhiên, xét về góc độ kỹ thuật, việc lách luật để nối lưới dự án dưới 1 MW có thể gây ra thách thức cho lưới điện. Cụ thể, lưới điện 35 KV chỉ phân phối đến hộ tiêu dùng. Nếu có sự gia tăng đấu nối từ nhiều dự án nhỏ nhưng không được kiểm soát, có thể dẫn tới nguy cơ không ổn định trong cấp điện đến hộ tiêu dùng cuối cùng. Đặc biệt, lưới điện 35 KV vốn được đầu tư từ khá lâu, chất lượng không còn tốt, có thể dẫn đến bất ổn tăng thêm.
Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, cho rằng việc các nhà đầu tư lợi dụng chính sách để hưởng lợi từ cơ chế điện mặt trời mái nhà cần được chấn chỉnh gấp, nhằm tránh tình trạng tại một địa điểm, có nhiều chủ đầu tư cùng lắp đặt dự án dưới 1 MW, từ đó hình thành tổng công suất lớn hơn 1 MW với 1 điểm đấu nối. Theo ông Ngãi, ngoài việc khống chế công suất dự án dưới 1 MW và có tấm pin lắp đặt trên mái nhà được coi là điện mặt trời mái nhà, cần bổ sung quy định kiểm soát hộ gia đình đăng ký theo hộ khẩu tại địa phương, diện tích lắp đặt cụ thể…
Ngoài ra, chủ đầu tư dự án quy mô nhỏ "trốn" bổ sung quy hoạch hoặc đấu thầu còn gây ra tình trạng thiếu bình đẳng với những chủ đầu tư dự án quy mô lớn. Ông Lê Anh Tùng cho biết theo Quyết định 13, giá mua với dự án điện mặt trời trên mặt đất là 7,09 cent/KWh, còn giá mua với dự án điện mặt trời mái nhà lên tới 8,38 cent/KWh. Thời gian duy trì mức giá này là 20 năm. Như vậy, việc các dự án nhỏ lách luật thành công cũng đồng nghĩa với việc tạo tiền lệ cho sự ra đời ồ ạt hàng loạt dự án nhỏ khác mà không cần đưa vào quy hoạch, thậm chí hưởng mức giá tốt hơn quy hoạch.
Do đó, lãnh đạo Công ty Ecotech Việt Nam kiến nghị các địa phương rà soát những dự án quy mô nhỏ trên địa bàn, kiểm soát giấy phép, nghiệm thu công trình, để tránh tình trạng núp bóng trục lợi. Ngoài ra, theo ông Tùng, nếu xét điện mặt trời mái nhà thì chỉ nên đưa ra mức cao nhất là 200 KW, tương ứng với khoảng hơn 2.000 m2 diện tích lắp đặt. Thực tế, không nhiều hộ gia đình, tòa nhà công sở có diện tích lớn hơn mức này.
"Nếu không khống chế, để dự án nhỏ tự phát tràn lan, không những ảnh hưởng lưới điện mà còn gây bất bình đẳng với những chủ đầu tư dự án lớn, vốn đầu tư bài bản, chi phí cao nhưng chỉ được hưởng giá điện thấp" - ông Tùng nhìn nhận.
Bình luận (0)