Mới đây, ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) đã đăng ký từ ngày 1 đến 30-6 sẽ bán toàn bộ 87,4 triệu cổ phiếu (tương ứng gần 25% vốn điều lệ) THD của Công ty CP Thaiholdings theo hình thức khớp lệnh hoặc thỏa thuận. Mục đích bán cổ phiếu là cơ cấu danh mục đầu tư. Nếu tính giá hiện tại thì sau khi thoái vốn, ông Thụy có thể thu về 4.800 tỉ đồng.
Bầu Thụy là người gây dựng THD nhưng chính anh trai ông, ông Nguyễn Văn Thuyết, mới là người giữ chức chủ tịch HĐQT công ty này.
Việc thoái toàn bộ vốn này được xem là "ép buộc" bởi tại đại hội cổ đông thường niên năm 2022 vừa qua, ông Thụy đã được cổ đông thông qua việc nhận chuyển nhượng cổ phiếu THD từ nhiều nhà đầu tư khác.
Cụ thể, bà Nguyễn Thị Phương và bà Nguyễn Thị Vụ mỗi người sẽ chuyển nhượng 539.000 cổ phiếu; ông Trịnh Văn Hải 2,4 triệu cổ phiếu; ông Nguyễn Hoàng Hiệp 570.000 cổ phiếu; ông Trương Anh Tú 692.400 cổ phiếu; bà Dương Thị Thúy Hằng 9,5 triệu cổ phiếu và bà Nguyễn Thị Hiếu 16,4 triệu cổ phiếu.
Nếu việc chuyển nhượng thành công, ông Thụy sẽ nắm giữ 118 triệu đơn vị, tương đương 33,7% vốn. Dù vậy, ông Thụy đã đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu hiện có.
Tuy nhiên, theo yêu cầu của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (C03 - Bộ Công an), THD - thông qua phương án Thaigroup (công ty con thuộc tập đoàn) hoàn trả số tiền 840 tỉ đồng đã giao dịch với Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Khách sạn Tân Hoàng Minh theo quy định của pháp luật. Cùng với đó, Thaigroup nhận lại cổ phần của Công ty CP Bình Minh Group, chủ sở hữu dự án 11A Cát Linh, kèm hồ sơ pháp lý, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của dự án.
Nằm 2021, TDH đạt doanh thu 8.243 tỉ đồng, gấp 4,5 lần năm 2020; lãi sau thuế 1.156 tỉ đồng, tăng 17%. Nhưng sau đó, công ty điều chỉnh báo cáo tài chính đã kiểm toán từ HĐQT. Theo đó, lợi nhuận TDH giảm còn 424 tỉ đồng. Giá cổ phiếu của THD từng lên đến 277.00 đồng vào 2021 nhưng sau đó giảm mạnh, hiện xuống còn khoảng 55.000 đồng/cổ phiếu.
Trong khi đó, thông báo trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, người sáng lập Công ty CP Tập đoàn Yeah 1 (YEG), đăng ký bán hơn 4 triệu cổ phiếu YEG, tương ứng 12,89% vốn điều lệ, từ ngày 1 đến 10-6.
Đại hội cổ đông YEG dự kiến diễn ra vào ngày 15-6. Như vậy, nếu giao dịch thành công, ông Tống không còn là cổ động của YEG.
Từng lập đỉnh và thu hút giới đầu tư sau khi lên sàn không lâu với giá lên đến 245.000 đồng, song cổ phiếu YEG tính theo giá hiện tại chỉ khoảng 16.000 đồng. Nếu giao dịch nêu trên hoàn tất, ông Tống thu về hơn 60 tỉ đồng.
Theo nội dung sẽ trình đại hội cổ đông sắp tới, YEG có kế hoạch phát hành tối đa hơn 78,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ để thu về 786 tỉ đồng.
Cũng thoái vốn nhưng là cơ cấu lại vị trí, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thành Thành Công (TTC), đã thoái hết phần vốn 1,54%, tương ứng 10 triệu cổ phiếu tại Công ty CP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT). Đây là doanh nghiệp dẫn đầu ngành đường nội địa với thị phần lên tới 46% trong tháng 5. Sau khi thoái vốn, ước tính ông Thành thu về khoảng 240 tỉ đồng.
Thực tế, bên mua dự kiến - Công ty CP Khai thác và Quản lý khu công nghiệp Đặng Huỳnh - chính là một thành viên Tập đoàn TTC của gia đình ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Tính thêm cả bà Đặng Huỳnh Ức My (con ông Thành và bà Ngọc) thì hiện tại, gia đình này đã nắm giữ gần 170 triệu cổ phiếu SBT, tương ứng 26,1% vốn liều lệ.
Mặc dù trong quý vừa qua, mã SBT có diễn biến tiêu cực cùng biến động của thị trường chứng khoán nhưng gần đây kết quả đã khả quan hơn, có phiên tăng trần. So với 1 tuần trước, giá cổ phiếu SBT đã lên gần 15%, đang ở mức 17.700 đồng/cổ phiếu.
Bình luận (0)