Sáng 25-11, khu vực trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) tham gia chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2016 tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP khá sôi động. Gần 400 gian hàng của các DN từ Bắc vào Nam giới thiệu hàng loạt đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp chế biến… Trong đó, nhiều DN lần đầu đưa sản phẩm đến quảng bá, tìm nhà phân phối.
Cải thiện đầu ra cho doanh nghiệp
Tại khu vực trưng bày, nhiều DN cho biết đã “no bụng” vì quá nhiều thực phẩm hấp dẫn. Đây là nguồn hàng tiềm năng, phong phú cho mùa kinh doanh Tết.
Mang 30 sản phẩm từ Hòa Bình vào TP HCM với cam kết bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, bà Vũ Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Công ty CP Nông Lâm Sản Kim Bôi, hy vọng sẽ mở rộng thêm thị trường tiêu thụ phía Nam. Theo bà Hà, khoảng 80% sản phẩm làm từ măng của công ty đã có mặt tại các siêu thị Co.opmart, BigC, Vinmart… ở TP HCM. Dù được BigC, Vinmart hỗ trợ bằng cách tính chiết khấu 0%, Saigon Co.op áp dụng chính sách ưu đãi nhưng đến nay, việc bán hàng vào kênh siêu thị vẫn chưa có lãi, chủ yếu là mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu.
Cùng băn khoăn về đầu ra sản phẩm, bà Nguyễn Thị Chiến, chủ nông trang Hải Âu (tỉnh Long An), cho rằng người tiêu dùng không quay lưng lại với sản phẩm sạch, nông dân ý thức sản phẩm sạch có lợi thế cạnh tranh nhưng do sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên nông sản trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP vẫn chưa tìm được đầu ra ổn định. Do đó, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ Công Thương trong liên kết tiêu thụ sản phẩm an toàn.
Ra đời từ năm 2012, đến nay, chương trình kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành đã trở thành hoạt động thường niên nhằm đưa hàng hóa từ các địa phương khác về TP tiêu thụ, tháo gỡ khó khăn cho DN, tạo nguồn hàng bình ổn thị trường. Theo Sở Công Thương TP HCM, năm đầu tiên tổ chức, chương trình thu hút 15 tỉnh, thành với 198 DN tham gia, 48 hợp đồng đã được ký kết. Năm 2015, có đến 30 tỉnh, thành với 1.251 DN tham gia, ký kết 482 hợp đồng. Trong 4 năm, đã có 1.349 hợp đồng cung ứng, tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các địa phương, giao thương 2 chiều đạt 22.132 tỉ đồng. Trong đó, TP đã tiêu thụ hàng hóa trị giá 15.498 tỉ đồng của các DN ở Đông - Tây Nam Bộ và cung ứng hàng hóa cho các tỉnh, thành trị giá 6.634 tỉ đồng. Từ chương trình, nhiều DN, cơ sở sản xuất và nông dân tìm được đầu ra ổn định. Nhiều đặc sản, sản phẩm thế mạnh của nhiều địa phương được đưa vào các kênh phân phối hiện đại, chợ truyền thống. Nhiều DN gia tăng sản lượng và trở thành nhà cung cấp chiến lược, thực hiện hàng nhãn riêng cho các nhà phân phối lớn ở TP HCM.
Cần hỗ trợ thiết thực hơn
Đánh giá cao hiệu quả của chương trình, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa mong muốn mô hình này được nhân rộng, kết nối thêm nhiều địa phương khác. Theo bà Thoa, việc DN tham gia kết nối, ký kết hợp đồng ghi nhớ là thành công bước đầu nhưng để việc hợp tác đạt hiệu quả, các sở Công Thương cần theo dõi việc thực hợp đồng ghi nhớ để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN. “Trước đây, khi tổ chức kết nối tiêu thụ vải thiều, nhiều siêu thị, chợ đầu mối ở TP HCM đặt hàng số lượng lớn. Vải thiều của 2 tỉnh Bắc Giang, Hải Dương dù sản lượng rất lớn nhưng lại không có đầu mối thu gom nên không đủ hàng giao theo hợp đồng. Sau đó, giải quyết xong nguồn hàng thì lại vướng khâu vận chuyển. Nhờ các bộ, ngành liên quan giải quyết kịp thời nên việc tiêu thụ vải thiều đã đi vào nề nếp” - bà Thoa dẫn chứng.
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP, cho biết bên cạnh nhiều hợp đồng được kết nối thành công, vẫn còn 187 hợp đồng nguyên tắc không triển khai được hoặc thực hiện không hiệu quả. Nguyên nhân là do sản phẩm của DN nhỏ và vừa có sản lượng hạn chế, mẫu mã chưa phong phú, chưa đáp ứng được yêu cầu của hệ thống phân phối. Nhiều sản phẩm mang tính chất thời vụ nên cung ứng không thường xuyên. Bên cạnh đó, tiêu chí nghiêm ngặt về hàng hóa, tỉ lệ chiết khấu, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận… cũng gây khó khăn cho các DN nhỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op, năm 2017, Saigon Co.op sẽ cải tiến trong việc kết nối với nhà cung cấp để đạt hiệu quả cao hơn. Theo đó, hệ thống bán lẻ này sẽ chủ động chia sẻ thông tin về mức độ quan tâm của người tiêu dùng, khả năng phát triển sản phẩm, yêu cầu cải tiến về mẫu mã, chất lượng… để nhà cung cấp có điều chỉnh phù hợp.
369 hợp đồng được ký kết
Chương trình kết nối cung cầu hàng hóa năm nay có 38 tỉnh, thành với gần 1.000 DN tham gia, gồm 631 DN sản xuất, 10 ngân hàng, 313 DN tiêu thụ.
Năm nay, ngoài DN ở miền Trung, Đông - Tây Nam Bộ, chương trình thu hút nhiều DN ở tận Thái Nguyên, Bắc Giang, Hà Giang, Hòa Bình… mang đặc sản địa phương đến TP HCM tìm nơi tiêu thụ. Trong sáng 25-11, 369 hợp đồng ghi nhớ đã được được ký kết.
Bình luận (0)