Gần 5 tháng kể từ ngày Tòa án Hà Nội ra thông báo thụ lý đơn phá sản của Công ty Vận tải Viễn dương Vinashin (Vinashinlines), doanh nghiệp này vẫn chưa có hướng xử lý đội tàu. Trong số phương tiện còn lại đến thời điểm này, một nửa đã phải tạm dừng khai thác do xuống cấp nghiêm trọng. Đó là hệ thống tàu Lash (tàu chuyên dùng để chở xà lan, có thể nhận và trả hàng sâu trong nội thủy), các tàu Green Sea, New Sun, New Star.
Hơn 3 năm kể từ khi chuyển từ tập đoàn Vinashin về tổng công ty Vinalines, đội tàu Vinashinlines với hơn chục chiếc, có tải trọng lên đến trên 200.000 tấn đến nay chỉ còn vẻn vẹn 4 chiếc đang hoạt động, với tổng trọng tải khoảng 35.000 tấn.
3 năm qua cũng là quãng thời gian khủng hoảng của vận tải biển nên doanh nghiệp này không thể thoát khỏi nợ nần. Đầu năm 2014, Vinashinlines được Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cho phá sản và đến giữa tháng 3, lãnh đạo công ty này chính thức ủy quyền cho luật sư nộp đơn mở thủ tục phá sản lên tòa án Hà Nội.
Vinashinlines từng rao bán các tàu này hơn một năm trước nhưng hiện chưa có người mua. Đến giữa tháng 3/2014, việc bán tàu phải dừng lại vì đơn xin mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp đã được Tòa án Kinh tế Hà Nội thụ lý. Các tàu nói trên phải neo đậu vạ vật tại Quảng Ninh, Hải Phòng, TP HCM, thậm chí sang tận Campuchia trong suốt hai năm qua.
Trong hơn một tháng qua, doanh nghiệp liên tục có văn bản gửi Tòa án và Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị được phép tiếp tục rao bán số tàu nói trên. Tuy vậy, trao đổi với VnExpress, một thẩm phán Tòa tối cao cho biết đơn vị này không thể bán bất kỳ tài sản nào một khi tòa án đã thụ lý đơn xin phá sản, ngay cả khi có sự đồng ý của các chủ nợ để tránh thất thoát hay tẩu tán.
Việc xử lý tài sản phá sản, theo quy định, sẽ thông qua Tổ Quản lý thanh lý tài sản trong đó có sự tham gia của chủ nợ lẫn đại diện doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản. Hình thức xử lý là bán đấu giá.
Trong các tàu nêu trên, 4 chiếc gồm Vinashin Liner 1, Vinashin Liner 2, Cái Lân 4 và New Energy vẫn đang hoạt động tốt với doanh thu đến cuối năm dự kiến hơn 20 tỉ đồng. Trong một báo cáo mới đây gửi tòa án xin được tiếp tục ký hợp động cho thuê tàu, Vinashinlines dự tính sau khi khấu trừ chi phí, 4 tàu này vẫn thu lãi trên 9,2 tỉ đồng trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết chưa được Tòa án hướng dẫn các thủ tục tiếp theo. Trong khi nếu phải dừng các hoạt động sản xuất kinh doanh lại để chờ quyết định phá sản thì Tổng giám đốc Vinashinlines Nguyễn Quế Dương lo ngại các thiệt hại đến với đội tàu sẽ rất lớn.
Cụ thể, do không còn nguồn thu để duy trì tình trạng an toàn tối thiểu nên các giấy chứng nhận an toàn sẽ hết hiệu lực. Khi đó, “chỉ có thể bán dưới dạng thanh lý, giải bản với giá sắt vụn chứ không thể bán với giá tàu còn khai thác” - lãnh đạo Vinashinlines phân tích. Ngoài ra, riêng tiền trông coi bảo quản tối thiểu cho mỗi con tàu cũng đã ngốn thêm trên dưới 400 triệu đồng mỗi tháng.
7 tàu có nguy cơ thành sắt vụn của Vinashinlines
1. Hệ thống tàu Lash
Theo giá trị sổ sách, tính đến 30-4-2014, hệ thống tàu Lash của Vinashinlines được xác định có giá trên 365 tỉ đồng. Nhưng dư nợ gốc mua tàu tại hai ngân hàng Đầu tư phát triển (BIDV) và Ngân hàng Phát triển (VDB) đã vượt con số 300 tỉ đồng; số nợ gốc phải trả cho Công ty Tài chính TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy (VFC) là hơn 4,4 triệu USD.
Vinashinlines thừa nhận hệ thống tàu Lash hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, đã dừng khai thác và đang neo đậu vạ vật tại các cảng Quảng Ninh, TP HCM, Hà Tĩnh, thậm chí tận Campuchia.
2. Tàu Green Sea
Giá trị còn lại vào khoảng 235 tỉ đồng, trong khi nợ gốc chưa trả xấp xỉ 19,5 triệu USD. Đây là tàu già nhất của Vinashinlines nhưng cũng là tàu có tải trọng lớn nhất. Tàu đóng năm 1983, sức chở 76.000 tấn.
Tàu đang neo đậu tại Quảng Ninh trong tình trạng mất an toàn nghiêm trọng. Cảng vụ Quảng Ninh đã không ít lần yêu cầu doanh nghiệp di dời ra khỏi cảng song chủ tàu vẫn không thể thực hiện vì không có tiền.
3. Tàu Vinashin Liner 1
Sau 20 năm sử dụng, tàu có tải trọng 7.000 tấn này được định giá 76 tỉ đồng. Trong khi dư nợ gốc tại Ngân hàng quốc tế Việt Nam (VIB) còn 3,625 triệu USD. Tàu đang được một công ty trong nước thuê và sẽ hết hợp đồng vào tháng 11-2014.
4. Tàu Vinashin Liner 2
Có tuổi đời và trọng tải tương đương Liner 1. Tàu sẽ hết hợp đồng cho thuê trong tháng 8 này. Nợ gốc của tàu này còn 8,7 triệu USD trong khi giá trị đến thời điểm tháng 4-2014 là 93,8 tỉ đồng.
5. Tàu Cái Lân 4
Là tàu nhỏ nhất (6.500 tấn) nhưng là tàu mới nhất của Vinashinlines (đóng năm 2006) nên giá trị còn lại là hơn 78,1 tỉ. Dư nợ 6,79 triệu USD tại VFC. Tàu vừa hết hợp đồng thuê định hạn với một công ty nước ngoài và sẽ lên đà trong tháng 9 tới.
6. Tàu New Energy
Tải trọng 14.600 tấn, đóng năm 2005, Giá trị còn lại 115,79 tỉ đồng, dư nợ 9,79 triệu USD. Tàu có hợp đồng với công ty TNHH Tân Bình đến tháng 6-2018.
7. Tàu New Sun
Tiền mua tàu còn nợ Ngân hàng VDB 72,2 tỉ và nợ VFC 313,5 ngàn USD. Trong khi giá trị còn lại trên sổ sách của tàu là 62,3 tỉ đồng. Hai năm qua tàu đã neo đậu trong tình trạng không có nhiêu liệu để vận hành các thiết bị tối thiểu như chiếu sáng, cảnh báo an toàn.
Tương tự tàu New Sun nợ hai tổ chức tín dụng nói trên lần lượt là 37,9 tỉ và 1,1 triệu USD. Tàu được xác định còn có giá vào khoảng 60,5 tỉ đồng.
Bình luận (0)