Thế nhưng, họ rất lúng túng và băn khoăn về thủ tục pháp lý, cách thức vận hành, triển khai nhượng quyền, chuyển giao công nghệ, xử lý tranh chấp...
Nhiều doanh nghiệp đã nhận nhượng quyền thương mại các chuỗi thức ăn nhanh vào Việt Nam Ảnh: TẤN THẠNH
Chị Vương Kiều Giang, chủ thương hiệu Bánh ướt Ban Mê, cho biết cửa hàng bánh ướt đầu tiên ở đường Phan Xích Long, quận Phú Nhuận, TP HCM được nhiều khách hàng ủng hộ nên chị mở tiếp cửa hàng thứ 2 ở đường Kỳ Đồng, quận 3. Chỉ 1 năm sau, dù liên tục nhận được đề nghị nhượng quyền cho các DN đến từ Phú Yên, Khánh Hòa, Đà Nẵng... nhưng chị Giang không biết có nên hay không, nếu bán thì tiến hành ra sao.
Tương tự, chủ một DN cho biết anh đã mở hệ thống gần 50 cửa hàng thời trang ở TP HCM. Dù đã có nhiều đối tác đến tìm hiểu, anh cũng mong muốn nhượng quyền sang Thái Lan, Campuchia nhưng chưa biết cách làm…
Bà Nguyễn Phi Vân, Giám đốc Retail & Franchise Asia, cho rằng chuyện nhượng quyền mở ra rất nhiều cơ hội kinh doanh cho cả người bán lẫn người nhận. Pháp lý nhượng quyền là điều đầu tiên DN phải nắm vững hoặc cần đến. Tuy nhiên, xây dựng được mối quan hệ con người với con người, tạo được niềm tin, cùng hiểu biết và cùng giá trị văn hóa thì việc nhượng quyền mới có thể diễn ra thuận lợi, hợp tác lâu dài. Không có những điều kiện tiên quyết này, khi kinh doanh nhượng quyền và phát sinh sự cố, chủ DN, đối tác nhượng quyền sẽ dễ mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột, thậm chí kiện nhau ra tòa.
Theo luật sư Hồ Hữu Hoành, người có nhiều kinh nghiệm trong tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến nhượng quyền, các DN Việt Nam cần có một cái nhìn tổng quan, hiểu biết luật pháp nhất định về vấn đề nhượng quyền để làm nền tảng, tự thức tỉnh và bảo vệ mình trước khi cân nhắc mua - bán. Các luật sư có thể giúp DN mua - bán nhượng quyền lường trước được những khả năng có thể xảy ra trong quá trình ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, DN phải trang bị đủ nền tảng chuyên môn, có đủ tiềm năng, tiềm lực để vận hành, triển khai hệ thống.
Bình luận (0)