Giải thích vì sao chỉ xác định giá trần đối với 25 mặt hàng sữa, tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính chiều 27-5, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa dẫn ví dụ: Abbott hiện có 37 mặt hàng, trong đó có 5 mặt hàng đã bị áp giá trần thì 32 mặt hàng còn lại phải dựa vào 5 mặt hàng đó và tính toán chi phí tương đương để xây dựng giá trần...
Giao doanh nghiệp tính giá trần
Cục trưởng Cục Quản lý giá Bộ Tài chính, ông Nguyễn Anh Tuấn, khẳng định việc kiểm soát giá tối đa đối với các mặt hàng sữa không chỉ dừng lại ở 25 mặt hàng đã áp giá trần mà sẽ tiếp tục xác định giá các mặt hàng sữa khác để áp giá trần.
Về việc xác định giá trần với tất cả mặt hàng sữa, ông Nghĩa khẳng định 25 mặt hàng được đưa vào danh sách là 25 mặt hàng chuẩn để dựa vào đó tính toán giá trần các mặt hàng còn lại.
“Doanh nghiệp (DN) nào có sản phẩm trong danh sách 25 mặt hàng chuẩn thì căn cứ giá trần đó để xác định giá tối đa các sản phẩm khác của mình theo tương quan giá so sánh. Với những DN không có tên trong danh mục thì căn cứ vào tương quan với 25 mặt hàng và chọn ra mặt hàng tương đương về chất lượng, trọng lượng, hình thức mẫu mã để xác định giá các mặt hàng của mình. DN có sản phẩm hoàn toàn mới đăng ký với cơ quan an toàn thực phẩm để lưu hành trên thị trường thì phải thực hiện đăng ký giá từ đầu gửi lên cơ quan quản lý, cơ quan quản lý có quyền kiểm tra chi phí các mặt hàng đó” - ông Nghĩa chỉ rõ.
Theo Bộ Tài chính, từ ngày 21-6, người tiêu dùng sẽ được mua sữa với mặt bằng giá mới thấp hơn giá cũ
Ảnh: HỒNG THÚY
Về cách xác định giá bán lẻ tối đa, Bộ Tài chính quy định bằng giá tối đa trong khâu bán buôn cộng với chi phí khác có liên quan theo hướng dẫn của cơ quan thẩm quyền quản lý giá nhưng tối đa không quá 15% giá bán trần.
Bảng giá trần sẽ có hiệu lực từ ngày 1-6 và được áp dụng trong vòng 6 tháng. Việc thực hiện trong khâu bán buôn chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày quyết định này có hiệu lực và trong khâu bán lẻ chậm nhất là sau 20 ngày. Như vậy, bắt đầu từ ngày 21-6, người tiêu dùng sẽ được mua sữa với mặt bằng giá mới thấp hơn giá cũ.
Sẽ dỡ bỏ khi thị trường bình ổn
Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết căn cứ để tính giá trần được dựa trên kết quả thanh tra của Bộ Tài chính đối với 5 DN thuộc diện thanh tra về giá. “Dựa vào kết quả thanh tra này, chúng tôi xem xét các yếu tố chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định hoàn toàn giá. Ngoài ra, còn căn cứ vào diễn biến tình hình giá sữa, tham khảo mặt bằng giá sữa cùng loại trên thị trường thế giới” - ông Tuấn nói.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, quá trình xây dựng bảng giá trần đã có tham vấn, thông qua kết quả thanh tra và kết quả đó đã được các DN ký nhận, đồng thời không sử dụng phổ biến ra bên ngoài.
“Chúng tôi đã gặp gỡ không ít DN trong và ngoài nước, đặc biệt trong số 5 DN bị thanh tra, chúng tôi đều nhận được cam kết tuân thủ pháp luật” - ông Nghĩa khẳng định và trấn an rằng bộ trưởng Bộ Tài chính đã có thư gửi các địa phương, bộ, ngành liên quan để kiểm soát chặt giá sữa. Riêng các chiêu lách luật, giảm trọng lượng… như báo chí phản ánh hoàn toàn không phải chiêu thức mới của DN để đối phó với trần giá sữa.
“Giá trần chỉ là biện pháp hành chính, áp dụng theo pháp luật và mang tính chất thời kỳ. Nó sẽ được dỡ bỏ khi thị trường bình ổn, trẻ em dưới 6 tuổi được hưởng đúng với giá trị thực của sữa” - ông Nghĩa khẳng định.
Phải tiết giảm chi phí
Thực tế, có một số sản phẩm sữa sau khi áp giá trần tối đa thì giá bán lẻ theo tính toán của DN trên cơ sở giá trần cộng với 15% chi phí tối đa sẽ cao hơn mức giá bán lẻ hiện tại. Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính khẳng định giá sữa bán lẻ tối đa đến tay người tiêu dùng sau khi áp trần phải bảo đảm thấp hơn giá bán lẻ trên thị trường của sản phẩm đó. Bởi vậy, nếu giá tối đa cho phép của DN cao hơn hiện tại thì DN phải tính toán giảm chi phí, không được sử dụng hết mức chi phí tối đa 15% để bảo đảm giá đạt mức thấp hơn theo quy định của Bộ Tài chính.
Bình luận (0)