Chín tháng đầu năm, nợ công của Việt Nam ước đạt 61,4% GDP, giảm 2,3% so với năm 2017. Nhưng với quy mô GDP hiện nay khoảng 5,1 triệu tỉ đồng thì con số tuyệt đối nợ công vẫn rất lớn, khoảng 3,13 triệu tỉ đồng.
Áp lực trả nợ ngày càng tăng
Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ cơ cấu chi ngân sách chuyển biến tích cực theo hướng tăng chi đầu tư phát triển, giảm chi thường xuyên nhưng bội chi ngân sách vẫn ước đạt 3,67%, áp sát mục tiêu Quốc hội giao là 3,7%.
Trong một nghiên cứu mới đây về chi tiêu công của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là quốc gia có chi ngân sách đang tiếp tục tăng cao, trong đó chi thường xuyên ngày càng lớn với 70% tổng chi ngân sách hằng năm, thậm chí có năm lớn hơn. Đặc biệt, chi trả nợ ngày càng tăng và trở thành gánh nặng lớn với ngân sách.
Nhà máy Đạm Ninh Bình là một trong các dự án đã từng sử dụng vốn nhà nước không hiệu quảẢnh: Hoài Dương
Theo WB, chi trả nợ gốc, lãi vay tăng nhanh hơn cả tăng trưởng kinh tế và đang tiệm cận ngưỡng an toàn theo quy định của Việt Nam. Hệ số thanh toán trả nợ khá cao trong khi lãi suất vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài tăng lên, làm tăng chi phí huy động vốn và nghĩa vụ trả nợ. "Vấn đề đáng lo ngại là tỉ lệ thu trên GDP của Việt Nam không thấp hơn các quốc gia khác nhưng áp lực tăng chi tiêu công vẫn ở mức cao khiến Việt Nam phải vay nợ, dẫn tới phải đối mặt với những quan ngại về bền vững tài khóa" - WB nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh, Việt Nam đang trong giai đoạn trả nợ gốc và lãi tăng rất nhanh. Cả nợ gốc và nợ lãi đều gây áp lực lên ngân sách, bởi muốn cân đối ngân sách phải đi vay tiếp. "Tựu trung lại, nợ công sẽ càng gia tăng hoặc kịch bản sáng sủa nhất cũng không giảm được nợ. Tình hình này chắc chắn gây sức ép lên ngân sách vì phải bố trí nguồn trả gốc và lãi. Khi đó, nguồn chi đầu tư sẽ bị ảnh hưởng" - TS Vũ Đình Ánh phân tích.
Một hậu quả khó lường khác của việc nợ công cao, theo một chuyên gia thuộc Học viện Tài chính, là sẽ ảnh hưởng đến dư địa vay còn lại trong tương lai. Vị chuyên gia này đánh giá với tỉ lệ và quy mô nợ công như trên, nền kinh tế chưa đến mức phải đối diện với nguy hiểm nhưng "không gian tài khóa" còn lại rất ít. "So với các nước khác trong cùng thời kỳ, Việt Nam nợ nhiều hơn, tức là dư địa để vay thêm ít hơn. Trong khi đó, nhu cầu vay để đầu tư phát triển vẫn còn rất lớn. Tức là chúng ta đã "ăn chơi" hơi sớm, không bảo đảm được nguyên tắc vay từ từ, để dành cho các mục tiêu tương lai" - vị chuyên gia của Học viện Tài chính chỉ rõ.
Tận thu để trả nợ?
Tỏ ra không lạc quan trước thành tích giảm tỉ lệ nợ công trên GDP, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng bội chi ngân sách còn rất cao dẫn đến các cân đối vĩ mô bị đe dọa. Để bảo đảm yêu cầu chi, Bộ Tài chính có thể đưa ra nhiều "sáng kiến" cho nguồn thu, như tăng thuế môi trường, các loại thuế, phí khác…, làm tăng thêm gánh nặng cho người dân. "Nợ công và bội chi ngân sách cao tác động sát sườn đến đời sống người dân bởi để trang trải cho mục tiêu cân đối vĩ mô thì nhà nước phải thu thuế từ doanh nghiệp, người dân" - TS Doanh cảnh báo.
TS Vũ Đình Ánh chỉ rõ về mặt nguyên tắc, để giảm áp lực chi, có nhiều cách như tiết kiệm chi thường xuyên hơn nữa, cắt giảm cải cách hành chính, kiểm soát chặt hơn chi đầu tư, thậm chí giảm chi đầu tư hoặc tăng thu để bù lại thiếu hụt ngân sách. Tất nhiên, với nhiều giải pháp như trên, theo ông Ánh, cơ quan quản lý cần lựa chọn phương án hợp lý nhất, không nhất thiết phải giảm áp lực chi bằng giải pháp tăng thu.
Ngoài ra, ông Ánh lưu ý có thể học tập kinh nghiệm nước ngoài về việc quản lý con số tuyệt đối nợ công. Khi GDP tăng, nếu "áp cứng" con số tỉ lệ phần trăm nợ công trên GDP, vô hình trung, chúng ta cho phép nợ công tính theo con số tuyệt đối tăng lên. Cùng đó, cần công khai minh bạch hơn nữa kết cấu nợ công để làm cơ sở đánh giá tính bền vững của nợ công cũng như của nền kinh tế.
Chuyên gia của Học viện Tài chính lưu ý trần nợ công 65%/GDP thực chất không có nhiều ý nghĩa khi đánh giá về bản chất nợ công. Nhiều nước có chỉ số nợ công rất cao, như Nhật Bản chẳng hạn nhưng lại phản ánh tình hình đầu tư, phát triển rất hiệu quả, mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế cũng như đời sống. Ngược lại, có những quốc gia tỉ lệ nợ không cao nhưng lại rơi vào nguy cơ "ngắc ngoải" do sử dụng đồng vốn không hiệu quả, lãng phí, sai mục đích. Từ đó, giải pháp kiểm soát nợ công hàng đầu là cần kế hoạch sử dụng hợp lý, có hiệu quả dòng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.
TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Bộ Tài chính):
Không nên bảo lãnh vay cho doanh nghiệp nhà nước
Tôi đặc biệt lưu ý phải siết chặt bảo lãnh của Chính phủ đối với các khoản vay của doanh nghiệp nhà nước để kéo giảm nợ công. Hiện nhiều doanh nghiệp nhà nước được bảo lãnh Chính phủ vay nợ nhưng đầu tư không hiệu quả, gây thất thoát vốn lớn. Chính phủ chỉ nên tập trung bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay phục vụ các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chung; không nên vay cho các dự án kinh doanh thuần túy bởi các dự án kinh doanh có nhiều rủi ro trước biến động thị trường. Nhiều dự án, nhà máy thua lỗ ngàn tỉ đồng thuộc ngành dầu khí là ví dụ điển hình.
TS Đinh Tuấn Minh, chuyên gia kinh tế:
Minh bạch khoản mục chi đầu tư
Trên thế giới, gánh nặng nợ công đã từng khiến một số quốc gia rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Do đó, việc quản lý nợ công với Việt Nam cần có các biện pháp hạn chế mức thấp nhất tình trạng cản trở sự phát triển nói chung. Một trong các việc cần làm ngay là cần phải minh bạch, đánh giá chất lượng, kiểm soát tốt các khoản mục chi đầu tư từ vay nợ. Nếu dự án không được chấm điểm chất lượng cao thì kiên quyết không chi.
Ngoài ra, nợ công được hình thành từ thâm hụt ngân sách. Bởi vậy, việc xây dựng chuẩn mực hạch toán thâm hụt ngân sách là cần thiết nhằm chuẩn bị kế hoạch tài khóa bền vững, giúp chống chọi với các cú sốc về tài chính, tình hình vay nợ khó kiểm soát…
Nguy cơ vỡ trần nợ công
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho hay theo Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, nợ công hằng năm không được vượt quá 65% GDP, nợ chính phủ không vượt quá 54% GDP và nợ nước ngoài không vượt quá 50% GDP. Điều đó cho thấy số liệu nợ công hiện vẫn ở trong mức an toàn. Tuy nhiên, mức nợ công đang rất gần ngưỡng trần do Quốc hội đặt ra. Nếu không có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ nguồn vốn vay, mức trần nợ công rất dễ bị phá vỡ trong thời gian tới.
"Việc vay nợ là cần thiết để tài trợ vốn, đáp ứng nhu cầu đầu tư công, khuyến khích phát triển sản xuất. Tuy nhiên, nếu nợ công tăng quá cao có thể khiến tăng trưởng kinh tế bị đảo ngược. Chẳng hạn, nợ công làm giảm tích lũy vốn tư nhân nếu Chính phủ tăng vay nợ, đặc biệt là vay trong nước để bù đắp (phát hành trái phiếu). Nguồn cung vốn trên thị trường vốn tư nhân giảm kéo theo lãi suất tăng, đẩy chi phí đầu tư tăng và kết quả là đầu tư tư nhân giảm" - lãnh đạo VEPR nhìn nhận.
Bình luận (0)