xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nỗ lực gỡ "thẻ vàng" sớm nhất

Văn Duẩn ghi

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết Việt Nam sẽ phấn đấu gỡ "thẻ vàng" sớm nhất, không để ảnh hưởng đến việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu cũng như các thị trường khác

. Phóng viên: Trong gần 4 năm qua, ngành nông nghiệp đã, đang và sẽ có các biện pháp gì để khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" của EC về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), thưa Thứ trưởng?

Nỗ lực gỡ thẻ vàng sớm nhất - Ảnh 1.

Thứ trưởng PHÙNG ĐỨC TIẾN

- Thứ trưởng PHÙNG ĐỨC TIẾN: Trong 4 khuyến nghị của Ủy ban châu Âu (EC) về khắc phục "thẻ vàng", có đề nghị hoàn thiện quy phạm pháp luật. Chúng ta đã hoàn thiện hệ thống pháp luật về thủy sản, cơ bản đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế, bảo đảm quản lý, phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm. Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành luật gồm 2 nghị định, 8 thông tư đã quy định đầy đủ các nội dung về chống khai thác IUU. Các văn bản này khi xây dựng đều tham khảo ý kiến của EC.

Tuy nhiên, khi Luật Thủy sản và các văn bản có hiệu lực, quá trình tổ chức thực hiện bộc lộ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, do đó cần sửa đổi, bổ sung. Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định hướng dẫn thi hành luật phù hợp tình hình thực tế và theo khuyến nghị của EC.

Trong quá trình thực thi, Thủ tướng Chính phủ cũng đã kết luận trách nhiệm quản lý nhà nước từ tỉnh, huyện, xã cần rõ ràng hơn, đặc biệt là người đứng đầu. Bên cạnh đó, không thể không nói đến trách nhiệm của người dân khi chuyển từ nghề thủy sản nhân dân sang ngành thủy sản có trách nhiệm với quốc tế. Ngư dân cũng phải nâng cao ý thức; thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật được tăng cường thì chúng ta mới bảo đảm các các yếu tố trong 4 khuyến nghị của EC.

Còn 3 khuyến nghị về quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc và thực thi pháp luật thì các quy định xử phạt ở Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã rất rõ ràng. Vấn đề là các tỉnh, thành tổ chức đồng loạt để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của pháp luật.

Riêng về truy xuất nguồn gốc, hạ tầng là yếu tố quyết định. Thời gian tới, ngân sách nhà nước sẽ có phân bổ đầu tư công trung hạn để bảo đảm hạ tầng thủy sản, đặc biệt là hạ tầng khai thác, có bước chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc từ đánh bắt, nhập hàng đến cảng, đến nhà máy và xuất khẩu sang các thị trường.

. Theo quy định, lẽ ra từ năm 2019, Việt Nam phải hoàn thành việc lắp thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn gần 10% tàu cá chưa lắp đặt. Việc này cần có sự triển khai thế nào để sớm hoàn thành?

- Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) trên tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên có tiến bộ. Tính đến ngày 31-8-2021, số lượng tàu cá lắp đặt thiết bị VMS có tín hiệu trên hệ thống giám sát hành trình tàu cá là 27.628/30.609 tàu cá (đạt 90,26%). Còn lại gần 10% tàu chưa lắp định vị, một phần do ngư dân chưa chi tiền để làm, một phần do nhiều tàu nằm bờ.

Sắp tới, trong đề án Phòng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, gỡ "thẻ vàng" mà Bộ NN-PTNT đang xây dựng dự thảo, sẽ có quy định việc lắp và kết nối thiết bị giám sát hành trình từ địa phương tới trung ương phải hoàn thành trong năm 2021, từ đó, phấn đấu gỡ "thẻ vàng" sớm nhất, không để ảnh hưởng việc xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu và các thị trường khác cũng đã quan tâm đến chống khai thác IUU, như Mỹ.

Nỗ lực gỡ thẻ vàng sớm nhất - Ảnh 2.

Ngư dân tỉnh Quảng Ngãi đưa cá lên bờ bán cho thương lái. Ảnh: TỬ TRỰC

. Bộ NN-PTNT đánh giá thế nào về vai trò của địa phương trong quản lý tàu cá để tránh vi phạm khai thác IUU và có yêu cầu gì để khắc phục những hạn chế hiện nay?

- Trách nhiệm quản lý tàu cá trước hết thuộc địa phương. Các địa phương có vai trò quan trọng trong vận động, quán triệt nhận thức cho ngư dân để họ hiểu rõ nếu khai thác vi phạm sẽ ảnh hưởng cả ngành thủy sản, thậm chí đến hình ảnh Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó ngư dân ý thức được và sẽ chấp hành.

Tôi đã trực tiếp đi kiểm tra cơ bản tất cả cảng cá; trực tiếp kiểm tra cách ghi chép nhật ký khai thác, việc bố trí nhân lực tại cảng, bố trí thiết bị và sự quan tâm của chính quyền địa phương. Đến nay phải khẳng định sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với chống khai thác IUU chưa bảo đảm tinh thần của Văn bản số 81-CV/TW ngày 20-3-2020 của Thường trực Ban Bí thư về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng chống khai thác IUU và các chỉ thị, công điện, quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đây là vấn đề cần rút kinh nghiệm sâu sắc.

Sau các đợt kiểm tra của lãnh đạo bộ, tôi thấy nhiều địa phương có chuyển biến mạnh. Các địa phương đã nhanh chóng lắp thiết bị giám sát, đầu tư nhà phân loại sản phẩm..., việc tuyên truyền tại cảng cũng tích cực hơn. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân lực ở cảng được bổ sung và số tàu vi phạm giảm. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, tin tưởng trong thời gian tới, việc chống khai thác IUU của Việt Nam sẽ có kết quả tích cực.

Các tỉnh đang làm gì?

. QUẢNG BÌNH: Nhiều ngành hợp lực

Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, cho biết tuy việc triển khai các khuyến nghị của EC đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng công tác chống khai thác IUU ở địa phương vẫn còn một số tồn tại như: một số tàu cá chưa lắp đặt thiết bị VMS; tàu cá vượt ranh giới khai thác cho phép trên biển và vượt qua vùng biển nước ngoài; việc thực thi pháp luật, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về IUU trên biển còn yếu.

Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Bình, thời gian để Quảng Bình gỡ "thẻ vàng" của EC không còn nhiều. Để đáp ứng các yêu cầu, khuyến nghị của EC thì vẫn còn rất nhiều việc phải làm và đòi hỏi sự hợp lực của các cấp, ngành, địa phương. Trong thời gian tới, sở sẽ phối hợp các sở, ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong chống khai thác IUU. Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình tăng cường hơn nữa công tác theo dõi, giám sát tàu cá; chứng nhận nguồn gốc thủy sản; đẩy mạnh công tác thanh - kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm...

. QUẢNG NGÃI: Hai giải pháp chính

Ông Nguyễn Văn Mười, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, cho biết mặc dù không còn tình trạng đánh bắt trái phép nhưng vì một số nguyên nhân khách quan và chủ quan, vẫn có một số chủ tàu trên địa bàn vi phạm việc ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình. Do đó, hằng tháng, Chi cục Thủy sản đã có thông báo danh sách các tàu mất kết nối, tàu vượt ranh giới để lực lượng biên phòng cùng các cảng cá phối hợp với chi cục để khi tàu vào sẽ mời chủ tàu lên làm việc, xử lý. Ngoài ra, tỉnh cũng bố trí kinh phí để mua các trang thiết bị thiết yếu phục vụ cảng cá và văn phòng kiểm soát nghề cá, đầu tư khẩn cấp dự án nạo vét, thông luồng ra vào cảng cá... Với những chủ trương này, tỉnh Quảng Ngãi hy vọng sẽ dần khắc phục được những tồn tại, hạn chế về hậu cần nghề cá. Từ đó, thực hiện hiệu quả công tác phòng chống khai thác thủy sản trái phép theo IUU, từng bước gỡ "thẻ vàng" của EC.

. BÌNH ĐỊNH: Phạt nặng chủ tàu vi phạm

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, sau gần 4 năm triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục "thẻ vàng" IUU, ngành thủy sản của tỉnh bước đầu đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Chẳng hạn, trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ vẫn còn. Hệ thống VMS chưa ổn định, thông suốt; nhiều tàu cá bị mất kết nối, bị gián đoạn, vượt ranh giới bị cảnh báo.

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho rằng nguyên nhân chủ quan là một số ngư dân vì lợi ích kinh tế đã cố ý đưa tàu cá đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài; đa phần chủ tàu không trực tiếp tham gia khai thác mà thuê mướn thuyền trưởng điều khiển, tự tổ chức đánh bắt. Để khắc phục tình trạng trên, thời gian tới, Bình Định sẽ lập biên bản, xử lý nghiêm các tàu cá bị cảnh báo, tàu cá không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển. "Những tàu cá này sẽ được đưa vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU, gửi các cơ quan liên quan, các tổ IUU trong và ngoài tỉnh, yêu cầu kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ và xử lý nghiêm khi tàu xuất bến, về bến" - ông Phúc nói.

. KHÁNH HÒA: Hỗ trợ ngư dân

Từ cuối năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài; ngư dân đã tuân thủ việc khai báo khi rời cảng và cập cảng lên cá. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, gần đây phát sinh một khó khăn mới là tình trạng lực lượng chức năng nước ngoài bắt ngư dân và dắt tàu cá Việt Nam về phía họ để xử phạt; còn 148 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên chưa lắp đặt thiết bị VMS do các tàu cá thua lỗ phải tạm ngưng hoạt động...

Để thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác IUU trong thời gian tới, Sở NN-PTNT tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo các cơ quan trực thuộc tiếp tục tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho chủ tàu, ngư dân, doanh nghiệp; không để tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất, nhập bến; xử phạt nghiêm các hành vi khai thác IUU, ghi nhật ký khai thác, báo cáo khai thác...

H.Phúc - T.Trực - A.Tú - K.Nam ghi.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo