Theo kế hoạch, từ ngày 4 đến 14-11, đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá lại việc thực hiện các khuyến nghị của tổ chức này sau 2 năm áp dụng cảnh báo "thẻ vàng" đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hai năm qua, các doanh nghiệp (DN) thủy sản đã chuẩn bị gì cho bước sát hạch này?
"Thấm đòn" thương mại
Việc EC cảnh báo "thẻ vàng" đã gây thiệt hại nặng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam vào Liên minh châu Âu (EU).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 5 từ trái sang), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU, kiểm tra tại cảng cá Tắc Cậu của tỉnh Kiên Giang vào ngày 23-10 Ảnh: THỐT NỐT
Tại hội nghị đánh giá 2 năm triển khai chương trình DN thủy sản cam kết chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) diễn ra ngày 25-9, báo cáo của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết sau 2 năm bị EC cảnh báo "thẻ vàng", xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường này giảm mạnh. Cụ thể, xuất khẩu thủy sản sang EU giảm 6,5% trong năm 2018 xuống còn gần 390 triệu USD và tiếp tục chững lại trong 8 tháng đầu năm 2019 với 251 triệu USD. Từ vị trí thứ 2, xuất khẩu thủy sản vào EU của Việt Nam đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỉ trọng của thị trường sụt giảm từ 18% xuống 13%.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, đánh giá việc EC cảnh báo "thẻ vàng" đã khiến nhiều DN Việt Nam gặp khó khăn. Do đó, 2 năm qua, các DN tích cực thực hiện các khuyến nghị của EC, chủ động triển khai những biện pháp về quản lý, giám sát truy xuất nguồn gốc trước, trong và sau khi xuất khẩu sản phẩm. "DN thủy sản Việt Nam thực hiện nghiêm túc các khuyến nghị của EC, kỳ vọng sớm được tổ chức này tháo gỡ cảnh báo "thẻ vàng" để khôi phục lại vị thế xuất khẩu ở thị trường châu Âu" - ông Trương Đình Hòe nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký VASEP, nhận xét có sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của DN về phát triển bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo yêu cầu của Chính phủ cũng như khuyến nghị của EC. Bằng chứng là sau khi Ban Điều hành IUU được Ủy ban Hải sản thành lập và thông qua kế hoạch hành động, các DN tích cực tham gia, hàng trăm DN treo biển cam kết chống khai thác IUU. "DN thực hiện nghiêm túc cam kết này, chỉ thu mua nguyên liệu thủy sản từ những tàu cá khai thác hợp pháp, có nguồn gốc khai thác hợp pháp; tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, các khuyến nghị của EC và cả quy định của Mỹ" - ông Nguyễn Hoài Nam nói.
Kỳ vọng lấy lại "thẻ xanh"
Thủy sản là một trong những ngành hàng hưởng lợi lớn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được phê chuẩn (dự kiến vào tháng 4-2020). Khi đó, 90% số dòng thuế của mặt hàng thủy sản được cam kết cắt giảm về 0% với lộ trình dài nhất là 7 năm.
Theo ông Phạm Hải Long, Tổng Giám đốc Công ty CP Thực phẩm Agrex Sài Gòn, để đón đầu cơ hội này, mục tiêu trước tiên là chúng ta phải nỗ lực lấy lại "thẻ xanh" từ EC, trong đó có vai trò rất lớn của DN. Thời gian qua, Agrex Sài Gòn và nhiều DN đã nỗ lực hết mình cho mục tiêu trên.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HÐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, cũng khẳng định DN của ông đã có bước chuẩn bị kỹ càng để vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội mới. Ông Lĩnh bày tỏ: "Chúng tôi tuân thủ tốt các khuyến cáo của EC, thực hiện thu mua nguyên liệu với các bước triển khai bài bản, đầy đủ thủ tục giấy tờ liên quan đến nguồn thủy sản. Tôi tin mọi yêu cầu từ EC, các DN Việt đủ khả năng thực hiện".
Ông Nguyễn Hoài Nam khẳng định đến thời điểm này, những yêu cầu mà phía EC đưa ra đều được VASEP, DN triển khai đầy đủ. Các bên duy trì mối quan hệ hợp tác tốt trong báo cáo và chia sẻ thông tin về khắc phục IUU. Sự cộng đồng trách nhiệm của DN cũng là cơ sở quan trọng để EC xem xét, cấp lại "thẻ xanh".
Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản:
Phụ thuộc vào chính chúng ta
. Phóng viên: Thưa ông, đến thời điểm này, phía Việt Nam đã chuẩn bị thế nào cho việc thanh tra, kiểm tra của đoàn thanh tra của EC?
- Ông TRẦN ĐÌNH LUÂN: Ngày 31-7-2019, trưởng Bộ phận IUU của EC có thư thông báo kế hoạch từ ngày 4 đến 14-11-2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ Các vấn đề về biển và thủy sản thuộc EC sẽ sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các nhóm khuyến nghị của EC. Tổng cục Thủy sản đã tham mưu, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) xem xét, phê duyệt kế hoạch tổng thể tiếp, làm việc với đoàn thanh tra của EC.
Theo dự kiến, đoàn thanh tra sẽ kiểm tra thực địa tại chi cục thủy sản, cảng cá tại một số tỉnh - thành ven biển; làm việc với các Cục Thú y, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Tổng cục Thủy sản và một số DN xuất khẩu tại TP HCM. Đoàn EC cũng sẽ trao đổi cấp cao với lãnh đạo Tổng cục Thủy sản; báo cáo kết quả kiểm tra, thanh tra với lãnh đạo Bộ NN-PTNN và dự buổi tiếp, làm việc với lãnh đạo Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác IUU.
. Ông đánh giá như thế nào về triển vọng gỡ "thẻ vàng" của EC?
- Trước hết, chúng ta nhận định rằng việc EC áp dụng "thẻ vàng" là thách thức lớn đối với ngành khai thác thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tổ chức lại ngành khai thác thủy sản theo hướng bền vững, có trách nhiệm, phù hợp với pháp luật quốc tế.
Trong gần 2 năm qua, với sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng với sự nỗ lực vào cuộc của các bộ, ngành và chính quyền 28 tỉnh, thành ven biển, việc khắc phục cảnh báo "thẻ vàng" đã đạt nhiều kết quả tích cực. Chúng ta đã hoàn thiện cơ sở pháp lý để quản lý bền vững ngành thủy sản, chống khai thác IUU qua Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản dưới luật đã được ban hành đầy đủ, đồng bộ. Tình trạng tàu cá và ngư dân khai thác trái phép tại một số quốc đảo giảm hẳn. Việc đầu tư nguồn lực phục vụ giám sát tàu cá, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác... đã và đang được quan tâm. Ý thức tuân thủ pháp luật thủy sản nói chung, pháp luật chống khai thác IUU được cải thiện.
Tuy nhiên, còn một số nội dung khuyến nghị của EC mà chúng ta cần có thêm thời gian, cần đầu tư bổ sung nguồn lực để thực hiện tốt hơn, hiệu quả hơn. Thời điểm EC gỡ "thẻ vàng" cho Việt Nam phụ thuộc nhiều vào hiệu quả, hiệu lực tổ chức thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các nhóm nội dung khuyến nghị của EC tại trung ương và chính quyền 28 tỉnh, thành ven biển. Nói cách khác, việc có được gỡ "thẻ vàng" hay không phụ thuộc vào chính chúng ta.
. Những bất cập nào cần giải quyết triệt để?
- Đó là việc vẫn còn tình trạng tàu vi phạm quy định về IUU. Bên cạnh đó là tình trạng nuôi thủy sản vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị, nhất là trong khai thác chưa nhiều. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng (cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão...), bảo quản sản phẩm sau thu hoạch và chế biến sản phẩm thủy sản khai thác còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu...
Đây là khó khăn lớn cần phải khắc phục ngay.
Văn Duẩn thực hiện
Bình luận (0)