Online Friday 2015 nằm trong chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2014-2020 do Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin - Bộ Công Thương cùng Hiệp hội Thương mại Điện tử tổ chức, được truyền thông rầm rộ và đánh đúng xu hướng chuộng mua hàng qua mạng của bộ phận lớn người tiêu dùng.
Theo số liệu cập nhật của ban tổ chức, tính đến 18 giờ ngày 4-12, có 1,1 triệu truy cập vào website onlinefriday.vn, trong đó có trên 8 triệu lượt xem sản phẩm. Nhiều sàn thương mại điện tử có số lượng đơn hàng tăng gấp 10 lần so với ngày thường. Chương trình năm nay thu hút lượng doanh nghiệp (DN) tham gia gấp đôi (khoảng 2.000 DN) với hơn 63.500 đầu sản phẩm khuyến mãi, trong đó có nhiều DN thương mại điện tử lớn, uy tín, dự kiến mang lại tổng doanh thu khoảng 500 tỉ đồng, gấp 3 lần năm 2014.
Năm nay cũng là năm đầu tiên chương trình sử dụng ứng dụng so sánh giá (websosanh và chongiadung) để hạn chế khuyến mãi không thực chất, tình trạng khuyến mãi ảo..., rất hữu ích trong việc hỗ trợ người tiêu dùng có cơ sở tìm hiểu, so sánh trước khi quyết định đặt mua. Tuy nhiên, cũng như nhiều chương trình bán hàng khuyến mãi khác, Online Friday còn nhiều hạn chế cần khắc phục.
Ngoài những “sự cố” như tình trạng không truy cập được vào website khuyến mãi, chất lượng đường truyền kém, sản phẩm khuyến mãi hết hàng sớm..., vẫn còn tình trạng khuyến mãi dỏm, khuyến mãi ảo khiến người tiêu dùng ngao ngán.
Trên một số trang web vẫn xuất hiện một số đơn vị kinh doanh các mặt hàng nhái thương hiệu cao cấp, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hiện tượng giảm giá ảo (tự nâng giá lên rồi giảm giá, khuyến mãi). Song song đó, các mặt hàng sản xuất trong nước chiếm tỉ lệ khá ít so với sản phẩm xuất xứ từ Thái Lan, Trung Quốc, Singapore, Mỹ. Tình trạng hàng hóa chỉ ghi thông tin chung chung, thiếu chi tiết còn khá phổ biến.
Khác với mua hàng khuyến mãi trực tiếp (khách hàng được tận mắt nhìn, tận tay sờ và được nhân viên bán hàng tư vấn trước khi mua), khách mua hàng qua mạng đặt cược niềm tin vào uy tín của trang web mà mình giao dịch. Thông tin càng rõ ràng, cụ thể càng dễ thuyết phục khách hàng mua sản phẩm. Ngược lại, sự mập mờ, giảm giá ảo hoặc bán hàng kém chất lượng sẽ đẩy khách ra xa.
Trong bối cảnh cạnh tranh thương mại ngày càng quyết liệt, thương mại điện tử phát triển nhanh và chứng minh được tầm quan trọng đối với các DN thì việc xây dựng uy tín thương hiệu, củng cố niềm tin cho khách hàng mua sắm online càng trở nên cấp thiết. Nói không với gian lận thương mại, khuyến mãi ảo, khuyến mãi dỏm... là việc làm bắt buộc, cấp thiết đối với từng DN.
Bình luận (0)