xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nông dân bán hàng qua mạng

Thùy Dương - Ngọc Ánh

Ngoài livestream bán sản phẩm nông sản tự sản xuất, nhiều hộ còn đưa hàng hóa lên các sàn thương mại điện tử

"Vườn thanh long của HTX Quê Mỹ Thạnh nè bà con. Sau 25 ngày bao trái bữa nay thu hoạch, rất mỏng vỏ, đỏ tươi luôn bà con… Kính mong bà con mua đúng thanh long của HTX Quê Mỹ Thạnh. Thanh long chúng tôi không xịt thuốc, ăn rất mát nha bà con". Đó là những lời mộc mạc mà nông dân Lê Văn Chín livestream (phát trực tiếp) trên Facebook khiến nhiều người xem tò mò và muốn một lần được dùng thử.

Liên kết với khách hàng bằng công nghệ

Ông Chín là một trong những nông dân đối tác của Food Connect (dự án của Công ty CP Food Network, liên kết người nông dân với người tiêu dùng bằng công nghệ) do ông Nguyễn Tuấn Khởi sáng lập. Ông Khởi là người từng tổ chức nhiều chương trình giải cứu nông sản như: chuối, thịt heo, dưa hấu, khoai lang. Thời gian qua, Food Network đã cùng với Đoàn Thanh niên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), Công ty TNHH Grab tổ chức nhiều buổi tập huấn về thương mại điện tử (TMĐT) và quy trình sản xuất minh bạch cho nông dân tại ngay các vùng nguyên liệu. Qua đó, giúp nông dân chuẩn hóa quy trình sản xuất để có giá bán tốt hơn và người tiêu dùng có thể mua giá thấp hơn nhờ rút ngắn trung gian không cần thiết.

Là giám đốc HTX Thanh long Quê Mỹ Thạnh (huyện Tân Trụ, tỉnh Long An), ông Lê Văn Chín đã tiên phong chuyển đổi vườn thanh long 4 ha của gia đình theo hướng thuận tự nhiên, không dùng phân, thuốc hóa học. "Chỉ cần có đầu ra ổn định, nông dân sẽ chuyển đổi canh tác thuận tự nhiên. Tôi muốn mọi người hiểu thế nào là thanh long trồng thuận tự nhiên nên thường xuyên livestream tại vườn để giới thiệu quy trình canh tác. Nhờ đó, sản phẩm của HTX được nhiều chuỗi cửa hàng trái cây sạch nhập về, ngay cả những quả có hình thức sần sùi, xấu xí cũng bán được do người tiêu dùng chọn vì chất lượng ruột bên trong. HTX cũng xuất khẩu được lô hàng đầu tiên sang thị trường Dubai" - ông Chín bộc bạch. Ông cho biết nếu người tiêu dùng không yên tâm có thể quét mã QR trên sản phẩm để biết chính xác nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc marketing Haravan (công ty cung cấp giải pháp TMĐT và bán lẻ), chỉ cần có điện thoại thông minh và tài khoản Facebook là nông dân có thể livestream trong các nhóm phù hợp. Bán hàng trên Facebook rất thuận tiện bởi sản phẩm chỉ cần chất lượng ổn định và lòng tin của người mua hàng, trong khi bán qua sàn TMĐT cần đáp ứng nhiều điều kiện như tính pháp lý, quy cách đóng gói… "Có 2 hình thức livestream, để bán hàng trực tiếp và để làm thương hiệu cho cửa hàng tiêu thụ sản phẩm của mình. Nếu nông dân không có lợi thế bán lẻ trực tiếp thì nên livestream sản phẩm tại vườn để quảng bá cho nhà bán hàng của mình. Bởi bán lẻ trực tiếp cần thực hiện nhiều quy trình khá phức tạp liên quan đến đóng gói, bảo quản, vận chuyển…, thường cửa hàng sẽ thực hiện tốt hơn nông dân" - ông Tấn nói.

Giám đốc marketing Haravan dẫn chứng nông dân tại Trung Quốc bán hàng qua mạng rất dễ vì mỗi làng đều có một trung tâm phân phối. Theo đó, từng loại nông sản đều có tiêu chuẩn đóng gói rõ ràng để thuận lợi cho việc giao nhận, hạn chế hư hỏng, hao hụt. Còn tại Việt Nam, đóng gói kiểu tự phát bằng bao bì là túi ni-lông, thùng xốp rất khó cho khâu giao nhận... "Để phát triển TMĐT cho nông dân, cần tiếp tục đào tạo nâng cao năng lực cho họ cũng như đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, logistics cho nông thôn" - ông Tấn đề nghị.

Nông dân bán hàng qua mạng - Ảnh 1.

Một dự án hỗ trợ nông dân làm quen thương mại điện tử. Ảnh: UYÊN UYÊN

Cơ hội cho sản phẩm OCOP

Hơn 1 năm trước, thông qua chương trình "Ngày của Làng dừa Bến Tre" trên sàn TMĐT Lazada, người tiêu dùng trên cả nước lần đầu được tiếp cận và đặt hàng dễ dàng hàng loạt đặc sản của địa phương này trên nền tảng online, như bánh, kẹo, thạch dừa; mỹ phẩm từ dừa (dầu dừa, mặt nạ dừa, son dưỡng, dưỡng mi, tinh dầu, dầu gội); đồ thủ công mỹ nghệ (bộ muỗng đũa, ấm trà...). Sau sự kiện, đại diện Lazada cho biết đã có khá nhiều lãnh đạo tỉnh liên hệ trực tiếp với sàn để triển khai dự án tại địa phương của họ với kỳ vọng tăng doanh số tiêu thụ đặc sản vùng miền và đưa sản phẩm đến nhiều quốc gia khác.

Sau dự án tiên phong của Lazada, một sàn TMĐT nội địa "sinh sau đẻ muộn" là Vỏ Sò (của Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel - Viettel Post) cũng tìm cách liên kết, hỗ trợ nông dân đưa sản vật lên sàn như một cách khai thác thị trường ngách trong bối cảnh tất cả các sàn TMĐT khác đều chạy đua giảm giá, khuyến mãi, quảng cáo, tăng tiện ích... Một trong những dự án tiêu biểu của sàn này là hướng dẫn nông dân của HTX 3T Cam Cao Phong (tỉnh Hòa Bình) bán sản phẩm cam Cao Phong chính gốc trên Vỏ Sò kể từ tháng 10 vừa qua. Kết quả, mỗi tháng, HTX này tiêu thụ được hơn 800 kg sản phẩm qua sàn Vỏ Sò. Giá trị thương hiệu của sản phẩm cũng được nâng cao nhờ việc nông dân được hướng dẫn đóng gói bài bản vào các hộp quà để biếu, tặng...

Thống kê mới nhất của Vỏ Sò cho thấy 10 tháng của năm 2020, sàn TMĐT này đã liên kết tiêu thụ hơn 300.000 sản phẩm nông sản, tổng giá trị đơn hàng khoảng 90 tỉ đồng. Viettel Post cũng không giấu tham vọng phối hợp cùng các địa phương để đưa 100% các sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) lên sàn TMĐT Vỏ Sò. Để làm được, cần phối hợp cùng Văn phòng Điều phối nông thôn mới trung ương và các đơn vị liên quan để xây dựng cổng tiếp nhận thông tin đăng ký sản phẩm OCOP cũng như phổ biến chính sách, tiêu chuẩn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng bán hàng...

"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành công cụ hữu hiệu giúp nông dân đưa sản vật vùng miền đến tận tay người tiêu dùng cuối cùng thông qua nền tảng trực tuyến và mạng lưới 1.300 bưu cục, 6.000 điểm giao dịch, hàng ngàn cửa hàng cùng 18.000 nhân viên bán hàng trực tiếp. Hệ thống kho fulfillment (kho để vận hành quy trình từ lúc hàng hóa được nhập về đến khi tới tay người tiêu dùng - PV) khắp 3 miền giúp tối ưu chi phí vận chuyển cho nông dân bởi thông thường, nông sản giá thành rẻ nhưng có khối lượng lớn dẫn đến chi phí vận chuyển có thể cao hơn giá thành sản phẩm" - đại diện Viettel Post thông tin.

Cũng là doanh nghiệp viễn thông với thế mạnh mạng lưới giao vận vươn xa tới xã, phường, thôn, bản, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam khai trương sàn TMĐT Postmart vào đầu năm ngoái nhằm cung cấp, phân phối đặc sản vùng miền, trong đó sản phẩm OCOP là một trong những danh mục trọng tâm phát triển. Tính đến nay, đã có hơn 200 nhà cung cấp, phân phối sản phẩm OCOP đăng ký kinh doanh trên sàn này với hơn 600 sản phẩm được công nhận. 

Đại diện Vỏ Sò cho biết ngoài thực hiện số hóa quy trình tiêu thụ đặc sản Việt, sàn còn hướng tới giới thiệu văn hóa, quảng bá hình ảnh địa phương, tiềm năng du lịch. Theo đó, xây dựng bản đồ tọa độ của địa danh du lịch, vùng trồng, quy trình sản xuất kèm với video giới thiệu sản phẩm. Phiên bản 1 của dự án dự kiến ra mắt ngày 1-1-2021.
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo