Chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo với chủ trương cho nông dân có lợi nhuận 30% đã trở nên xa vời khi mà giá lúa liên tục giảm. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thị trường xuất khẩu đang gặp khó. Hậu quả là nông dân bị ép giá, bẻ kèo.
Lúa chất đầy đồng
Mấy ngày nay, nông dân ở các tỉnh có diện tích lúa đứng hàng đầu khu vực ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang... đang đứng ngồi không yên khi lúa đã thu hoạch xong, chất đầy đồng nhưng không ai đến hỏi mua.
Ông Nguyễn Văn Dứt ở xã Tân Thành, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, cho biết vào cuối tháng 3 vừa qua, khi 15 công lúa nhà ông chín thì có thương lái đến xem mẫu mã rồi trả giá 4.800 đồng/kg, đồng thời đặt cọc 3 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi thu hoạch xong, ông mòn mỏi ngồi chờ nhưng thương lái chẳng thấy đâu. “Phải chịu vậy thôi vì mình đã nhận tiền cọc. Còn nếu muốn bán cho người khác thì chắc chắn sẽ bị ép giá thê thảm lắm” - ông Dứt đắn đo.
Cùng cảnh ngộ là ông Nguyễn Ngọc Thạch ở xã Vĩnh An, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Gia đình ông cũng nhận 5 triệu đồng đặt cọc của thương lái cho 3 ha lúa. Do năm nay lúa trúng mùa nên sản lượng đạt hơn 12 tấn/ha. Thế nhưng, ông Thạch đang thấp thỏm từng ngày vì lúa đã thu hoạch xong mà thương lái vẫn chưa đến cân.
Liên kết cũng chết
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp đang là xu hướng tất yếu để giúp nông dân có nơi tiêu thụ ổn định. Thế nhưng, khi giá lúa cứ mãi bấp bênh thì các mối liên kết này trở nên lỏng lẻo và người chịu thiệt là nông dân.
Vụ đông xuân năm nay, nhiều nông dân ở các huyện Lấp Vò, Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp phải chịu cảnh bán đổ, bán tháo cho thương lái bên ngoài với giá thấp hơn thị trường do bị một số doanh nghiệp (DN) “bẻ kèo”. Trong khi đó, cũng có DN lại “tố” nông dân không bán lúa cho họ khi thấy giá lúa có chiều hướng tăng cao.
Cụ thể, theo phản ánh của hàng trăm nông dân ở huyện Tân Hồng và thị xã Hồng Ngự, họ bị Công ty CP Docimexco tự ý phá vỡ hợp đồng khi mua lúa với giá thấp hơn thị trường từ 200-300 đồng/kg. Còn về phía công ty thì cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do hai bên không thống nhất với nhau về cách thức tính độ thuần của lúa.
Mới đây, tại hội thảo góp ý Thông tư hướng dẫn thực hiện Quyết định 62 về chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn, ông Nguyễn Văn Đời, Chủ nhiệm HTX Bình Thành, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp cho biết vụ lúa đông xuân năm nay, các xã viên HTX của ông đã bị 2 DN “bẻ kèo” và ép giá nông dân với mức thấp hơn thị trường từ 400-500 đồng/kg so với thỏa thuận trước đó. “Bộ NN-PTNT nên có khung xử lý về vấn đề này chứ năm nay nông dân bị “bẻ kèo” nhiều quá. Tình trạng này diễn ra hoài thì không chỉ có nông dân chịu thiệt mà cả HTX cũng bị vạ lây” - ông Đời than.
“Tiền đã có ngân hàng lo, Chính phủ thì hỗ trợ lãi suất, Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đứng ra tổ chức cho DN thu mua nhưng lại quá chậm trễ. Như vậy, cần phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai? Bởi ngay như đợt mua tạm trữ vụ đông xuân năm 2013, việc thu mua tạm trữ cũng chỉ đạt 80% mà có ai chịu trách nhiệm gì đâu” - TS Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL.
Bình luận (0)