Trồng hoa xuất khẩu qua Nhật Bản
Trong dãy nhà kính trồng hoa cẩm chướng, anh Takahiro Nunome (35 tuổi, Nhật Bản) tận tình hướng dẫn công nhân tỉa nhánh hoa. Chàng kỹ sư nông nghiệp này được mọi người quen gọi là Taka.
Từ giữa năm 2016, Taka rời bỏ những tiện nghi hiện đại của đất nước mặt trời mọc, đến xã Đa Nhim (H.Lạc Dương) cách TP.Đà Lạt hơn 30 km, để trồng hoa. Mỗi sáng Taka đi ủng ra vườn hướng dẫn công nhân cách trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa. Dù được bố trí nơi ở đầy đủ tiện nghi, nhưng Taka xách ba lô, đem theo chăn màn đến lán trại dựng bằng tôn sống chung cùng công nhân.
Anh cho biết: “Mình phải sống hòa đồng, gần gũi với công nhân để cùng họ xây dựng trang trại lớn mạnh. Với mình, dù có đầy đủ máy móc, phương tiện nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất”.
Ông Low và vợ trong trang trại rau hữu cơ Ảnh: Lâm Viên
Theo chị Hà Thị Thu Thùy (trợ lý cho Taka, giám sát sản xuất), nhờ Taka tận tình hướng dẫn nên gần 40 công nhân, trong đó gần một nửa là đồng bào dân tộc bản địa, đã nắm vững kỹ thuật và các yêu cầu sản xuất hoa đạt chất lượng Nhật Bản.
Taka đã mang 70 giống hoa cẩm chướng và 50 giống hoa cúc từ Hà Lan, Tây Ban Nha, Colombia và Nhật Bản sang Đà Lạt trồng thử nghiệm để chọn những giống phù hợp nhất sản xuất đại trà. Hiện nay, mỗi tháng trang trại hoa Đa Nhim xuất gần 200.000 cành hoa cẩm chướng và cúc, trong đó 2/3 được đưa sang Nhật.
Chàng kỹ sư Nhật Bản thổ lộ: “Năm 2013, lần đầu đến Đà Lạt, tôi đã bị hoa ở đây mê hoặc, nhưng đến năm 2016 tôi mới chính thức được ở lại Đà Lạt trồng hoa”.
Taka hiện là giám đốc sản xuất của Công ty Pan Saladbowl, trực tiếp tổ chức sản xuất, quản lý trang trại hoa ở Đa Nhim. Theo anh, Đà Lạt và Lạc Dương được thiên nhiên ưu đãi khí hậu quá tuyệt vời, có thể trồng rau, hoa quanh năm. Ở Nhật Bản có 4 mùa rõ rệt, thời tiết khắc nghiệt, muốn canh tác rau, hoa tốn chi phí gấp 10 lần ở Đà Lạt.
Chở nước biển lên núi trồng rau !
Đây là chuyện lạ mà “lão nông” Low Kok Chiang (70 tuổi, quốc tịch Singapore) đang làm ở trang trại rau hữu cơ (organic) nằm dưới chân núi Voi, cách TP.Đà Lạt khoảng 15 km.
Trong một lần đến Đà Lạt, ông Low đã yêu mảnh đất này và quyết định ở lại lập trang trại trồng rau. Năm 2015, ông cùng vợ là bà Lưu Huỳnh Khánh (người TP.HCM) khăn gói đến Định An mở trang trại Tượng Sơn trồng rau hữu cơ.
Tại trang trại rau rộng 2 ha này, có những loại rau quý không phổ biến như tiểu mạch thảo, dùng nước ép thân cây trị bệnh tiểu đường. Độc đáo hơn, để trồng rau hoa tuyết, ông Low phải xuống tận Phan Rang chở nước biển lên tưới. Mân mê thân và lá hoa tuyết óng ánh những tinh thể trong suốt, ông Low cho biết đó chính là hạt muối do cây hấp thụ từ đất. Rau hoa tuyết có tác dụng chống gốc ô xy tự do trong cơ thể, rất tốt cho sức khỏe. Loại rau này có giá bán tới 500.000 đồng/kg nhưng vẫn không đủ cung vì rất khó trồng, sản lượng thấp.
Ông Son thu hoạch dâu tây
Ngoài ra, trang trại của vợ chồng ông Low còn 140 loại rau củ khác. Trang trại Tượng Sơn đã được Tổ chức Control Union cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu và Mỹ. Giá bán các loại rau hữu cơ trung bình từ 60.000 - 70.000 đồng/kg. Sản phẩm rau được thu hái trước khi mặt trời mọc, đưa ngay vào kho lạnh. Tiếp đó, rau được rửa, sơ chế, đóng bao, dán tem, chuyển vào kho lạnh vô trùng chờ đưa xuống TP.HCM tiêu thụ.
Ông Low chia sẻ: “Trồng rau hữu cơ thì từ hạt giống, phân bón, nước tưới, đất (giá thể chế biến từ xơ dừa) và phương pháp canh tác đều phải sạch. Chúng tôi cũng tự ủ phân hữu cơ, còn thuốc trừ sâu được chế biến từ gừng, ớt..., nói không hoàn toàn với những chất hóa học”.
Người Hàn Quốc trồng dâu giữa đại ngàn
Một “nông dân” khác đến từ Hàn Quốc, ông Son Sang-hyeon (41 tuổi), đã lập trang trại trồng dâu tây công nghệ cao trên địa bàn xã Đa Nhim (H.Lạc Dương). Duyên nợ của người đàn ông Hàn Quốc với Đà Lạt bắt đầu từ lần ghé thăm vườn dâu ở phố núi, nhưng cảm nhận dâu Đà Lạt không thơm và ngọt như dâu Hàn Quốc. Từ đó, ông Son nảy ý định đầu tư trang trại trồng dâu công nghệ Hàn Quốc tại Đà Lạt.
Để thỏa chí làm “nông dân” ở Đà Lạt, ông Son đưa vợ và 2 con gái từ Hàn Quốc sang VN sinh sống. Đến tháng 8.2014, ông “tậu” gần 7 ha đất tại xã Đa Nhim, được tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư để thành lập Công ty TNHH nông trại SamGong. Để có 5.000 m2 nhà kính trồng dâu như hiện nay, ông đã cùng công nhân phát cỏ hoang, san lấp mặt bằng.
Hầu hết thiết bị nhà kính, máy móc, giàn inox, màng phủ… đều được mang từ Hàn Quốc qua với vốn đầu tư lên tới 700 triệu đồng/sào. Nhà kính trồng dâu tây theo công nghệ Hàn Quốc có hệ thống cảm ứng ghi nhận nhiệt độ, độ ẩm, hệ thống quạt gió, phun sương hoàn toàn tự động. Phân bón được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước. Thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng chọn lọc, ưu tiên các loại gốc sinh học và được “cách ly” trước khi thu hoạch.
Hiện trang trại SamGong thu hoạch trung bình mỗi ngày 30 - 40 kg dâu tây. Sản phẩm được bán tại một số siêu thị lớn ở TP.HCM và cửa hàng trái cây cao cấp ở Hà Nội, giá bán loại cao nhất 670.000 đồng/kg, thấp nhất 260.000 đồng/kg. Ông Son khẳng định: “Những giống dâu tây tôi mang từ Hàn Quốc qua đều có bản quyền và được các cơ quan chức năng VN kiểm dịch. Tôi đã đăng ký bản quyền cho những giống dâu này”.
Bình luận (0)