Trái ngược với không khí vui tươi, phấn khởi của vụ trước, những ngày này vùng chuyên canh trồng quýt hồng thuộc huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp trầm lắng hẳn vì cây bị bệnh vàng lá, năng suất giảm mạnh.
Mất gần 1/3 sản lượng
Theo UBND huyện Lai Vung, hiện tượng cây có múi chết hàng loạt do bệnh vàng lá, thối rễ diễn ra từ năm 2017 nhưng bùng phát mạnh trong năm 2018. Đến nay, toàn huyện có hơn 2.000 ha bị thiệt hại, chiếm gần 36% diện tích cây có múi, nặng nhất là trên cây quýt hồng với 337 ha, chiếm 40% diện tích. Vụ quýt Tết Kỷ Hợi 2019, toàn huyện dự kiến cung ứng khoảng 23.000 tấn, giảm hơn 10.000 tấn so với các năm trước.
Xót xa nhìn những gốc quýt héo rụi từng ngày, ông Phạm Văn Mười, ngụ xã Tân Phước, chỉ còn cách mua cây giống về trồng xen vào những cây đã chết. "Vườn nhà tôi đang chuẩn bị cho trái đầu vụ nhưng đến giai đoạn xử lý cây ra đọt thì lá chuyển qua vàng rồi từ từ rụng trụi. Gia đình tôi đổ hết vốn vào vườn quýt này, giờ sắp trắng tay" - ông Mười chua xót.
Nông dân cố gắng cứu những cây quýt hồng còn sót lại
Lượm từng trái quýt chín rụng quanh gốc cây, ông Nguyễn Thanh Thoại - ngụ ấp Long Khánh A, xã Long Hậu - buồn rầu cho biết khoảng một tháng trở lại đây, mỗi ngày gia đình ông lượm khoảng 10 kg quýt rụng để bán theo dạng hàng dạt cho thương lái với giá 6.000 - 10.000 đồng/kg. Trong khi đó, nếu quýt còn nguyên, đẹp bán được đến 40.000 - 45.000 đồng/kg và càng cận Tết giá càng nhích lên.
Ông Lưu Văn Hai - ngụ ấp Tân Mỹ, xã Tân Phước - đã nỗ lực mua thuốc về trị bệnh vàng lá cho cây từ năm 2017 đến nay nhưng không hiệu quả, càng trị bệnh càng lây lan nhanh hơn. Đến nay, khoảng 2/3 diện tích vườn nhà ông bị bệnh vàng lá, phải đốn bỏ. "Năm nay, cây chết và suy kiệt, bệnh đốm trái cũng nhiều hơn khiến trái chuyển màu và chín sớm nên quýt hồng phải thu hoạch và bán trước Tết khá nhiều" - ông Hai thông tin.
Theo ông Hai, nếu cây phát triển bình thường, ước tính 9 công quýt hồng của gia đình ông thu hoạch được khoảng 40 - 50 tấn trong mùa Tết. Dịch bệnh làm hư hại cây trên diện tích lớn nên sản lượng mất hơn 70%, chỉ còn vài tấn. Tính theo giá thương lái đang mua tại vườn 35.000 - 40.000 đồng/kg thì gia đình ông mất khoảng 250 triệu đồng.
Hỗ trợ khắc phục thiệt hại
Trước diễn biến cây có múi chết hàng loạt do bệnh vàng lá, ảnh hưởng đến đời sống của bà con nông dân, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, quyền Chủ tịch UBND huyện Lai Vung, cho biết huyện sẽ tìm nguyên nhân và giải pháp khắc phục, có chính sách hỗ trợ đối với các hộ dân bị thiệt hại nặng để giúp bà con gầy dựng lại vườn cây, sớm ổn định cuộc sống. Trước mắt, huyện cùng các ngành, địa phương sẽ tổ chức nhiều hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm giúp nông dân nắm rõ cách phòng trừ bệnh vàng lá, thối rễ. Bên cạnh đó, huyện đang kết hợp với các viện, trường, nhà khoa học thực hiện mô hình canh tác quýt khép kín từ khâu giống đến phân bón… nếu có hiệu quả sẽ nhân rộng. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các ngành liên quan, HTX liên kết với Viện Cây ăn quả Miền Nam để cung ứng giống sạch bệnh cho nông dân.
Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, thời gian tới, ngành nông nghiệp phải phối hợp với huyện Lai Vung, các nhà khoa học cùng cập nhật những nội dung cần thiết để đề ra quy trình, biện pháp kỹ thuật đối với cây đang bị nhiễm bệnh vàng lá, thối rễ, trong đó tập trung cho quýt hồng. Song song đó, phải có ngay biện pháp, quy trình xử lý dịch bệnh; khuyến cáo nông dân về giống, canh tác, phân bón… lẫn quy trình xử lý cây chết…
Bình luận (0)