Đó là nhận định của nhiều đại biểu tại Diễn đàn "Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ (NNHC) và các sản phẩm chế biến" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức chiều 28-9 tại TP HCM.
Dư địa lớn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản - Bộ NN-PTNT, nếu như năm 2016, cả nước mới có 40 tỉnh, thành triển khai NNHC thì năm 2021, con số này tăng lên 57. Việt Nam đang đứng thứ 9 trong số các quốc gia có diện tích đất sản xuất NNHC lớn nhất châu Á với 174.000 ha vào năm 2021, tăng 47% so với 5 năm trước đó.
Hiện Việt Nam có hơn 17.000 nhà sản xuất NNHC, 555 nhà chế biến và 60 nhà xuất khẩu dòng sản phẩm này. Kim ngạch xuất khẩu hàng hữu cơ đạt 335 triệu USD/năm, xuất khẩu tới 180 thị trường đối tác.
Ông Paul Le, Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail, cho hay đo lường thị trường trong giai đoạn hậu COVID-19 thể hiện nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam đối với sản phẩm hữu cơ tăng cao khi họ quan tâm hơn đến sức khỏe. Trong đó, tầng lớp trung lưu dự báo chiếm khoảng 25% dân số vào năm 2025 sẽ sẵn sàng chi trả cho sản phẩm nông sản 100% hữu cơ.
"Cần tập trung sản xuất tốt hàng hóa hữu cơ ngay từ hôm nay để sẵn sàng cho người tiêu dùng Việt trong tương lai. Thời gian qua, giá sản phẩm hữu cơ còn cao do bên nuôi trồng phải đầu tư nhiều năm mới có sản phẩm nhưng khi quy mô sản xuất đủ lớn thì giá thành sẽ hạ xuống mức vừa với khả năng của người tiêu dùng" - ông Paul Le khuyến nghị.
Ông Nguyễn Minh Tiến, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp - Bộ NN-PTNT, thông tin trên thế giới, doanh số bán lẻ nhóm hàng hữu cơ đang tăng mạnh. Từ doanh số 129 tỉ USD năm 2020, tiêu thụ thực phẩm hữu cơ toàn cầu đã tăng lên 188 tỉ USD trong năm 2021 và dự kiến đạt 208 tỉ USD vào năm nay.
"Gần đây, xuất hiện xu hướng tiêu dùng "thuần chay" khiến nhóm thực phẩm hữu cơ từ trồng trọt tăng trong khi thực phẩm hữu cơ từ chăn nuôi giảm. Điều này đem lại lợi thế cho nhà sản xuất NNHC Việt Nam bởi sản phẩm hữu cơ trong nước phần lớn là sản phẩm trồng trọt, sản phẩm chăn nuôi còn rất ít" - ông Tiến chỉ rõ.
Nhiều loại thực phẩm hữu cơ được trưng bày tại Diễn đàn “Kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và các sản phẩm chế biến” diễn ra ngày 28-9
Nhiều vướng mắc
Mặc dù đạt tốc độ tăng trưởng đáng khích lệ song chặng đường phát triển của lĩnh vực sản xuất NNHC còn rất nhiều khó khăn, thách thức.
Ông Phạm Minh Đức - Phó Chủ tịch Hiệp hội NNHC Việt Nam, Giám đốc điều hành Ecolink (chuyên về trà hữu cơ) - cho hay dù sản phẩm của Ecolink có chứng nhận quốc tế nhưng các đối tác nhập khẩu luôn yêu cầu doanh nghiệp (DN) gửi mẫu đến phòng thí nghiệm để kiểm tra. Việc này dẫn đến DN phải tốn rất nhiều chi phí. Ngoài ra, DN rất khó bán sản phẩm mang thương hiệu của mình nên cần liên kết với các nhà bán lẻ để dễ tiêu thụ. Chưa kể, xuất khẩu hàng hóa nói chung đang gặp khó do nhiều thị trường chủ lực phải đối mặt lạm phát...
Tiềm năng của lĩnh vực NNHC lớn nhưng cũng cần đầu tư lớn nên nông dân không có khả năng, chỉ DN mới có thể tham gia. Thậm chí, ngay cả DN lớn tham gia vào lĩnh vực này cũng có thể gặp thất bại. Dẫn chứng từ chính DN của mình, ông Nguyễn Hoàng Anh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Thủy sản Nam Miền Trung, cho hay đã đầu tư trồng 200 ha sản phẩm NNHC, tự mở siêu thị kinh doanh nông sản sạch nhưng đóng cửa chỉ trong... 4 tháng. Nguyên nhân do thiếu sự đồng bộ trong tổ chức sản xuất, dẫn đến chỉ cần 1 hộ gần trang trại hữu cơ dùng thuốc bảo vệ thực vật cũng ảnh hưởng đến cả trang trại.
Bà Bùi Thị Hạnh Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Kinh doanh Chế biến nông sản Bảo Minh, phản ánh DN đang phải thu mua lúa gạo hữu cơ trên vùng nguyên liệu do mình tổ chức với giá cao hơn 60% so với lúa gạo thông thường rồi bán sản phẩm ra thị trường với giá gạo thường. Nguyên nhân do DN chưa có nhà máy sản xuất sản phẩm hữu cơ đạt chuẩn bởi vướng mắc ở chính sách đất đai.
Ông Phạm Minh Đức chỉ ra thị trường là một rào cản lớn khiến DN sản xuất, cung ứng sản phẩm hữu cơ dần không còn mặn mà đầu tư phát triển. Theo ông, đã có 269 DN Việt từng có chứng nhận hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ nhưng hiện chỉ còn 164 DN duy trì. "Ngoài 1 DN bị tước giấy chứng nhận do gian lận thì hầu hết DN bỏ tham gia chứng nhận do vấn đề thị trường" - ông Đức giải thích.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, nhấn mạnh sản phẩm hữu cơ có phân khúc thị trường đặc thù. Ngoài ra, lĩnh vực này còn gặp khó ở câu chuyện xây dựng lòng tin với người tiêu dùng. Ông Toản gợi ý các nhà sản xuất NNHC chú trọng minh bạch hóa trong các khâu, kết hợp sản xuất với du lịch sinh thái để gia tăng và khẳng định giá trị của NNHC như một lợi thế của nông nghiệp Việt Nam.
Bình luận (0)