xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nuôi khát vọng doanh nhân

PHƯƠNG NHUNG - THÁI PHƯƠNG

Doanh nghiệp cần sự ghi nhận, tôn trọng, tôn vinh và bảo vệ để có thể nuôi dưỡng khát vọng làm giàu, dựng xây đất nước

Ngày 5-10, tại TP Đà Nẵng sẽ diễn ra Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề "Việt Nam 2045 - Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình", do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các cơ quan liên quan tổ chức.

Tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ

Trước khi diễn đàn nói trên diễn ra, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhìn nhận các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước luôn coi trọng hệ thống chính sách và môi trường pháp lý cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Trong đó, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, là sự thay đổi tư duy rất lớn trong quá trình chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường. Đặc biệt, Đảng cũng có nghị quyết riêng trong xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. "Dưới tác động của các chính sách, cộng đồng DN và doanh nhân đã phát triển mạnh mẽ, trở thành một trong những thành phần quan trọng của công cuộc đổi mới" - ông Vũ Tiến Lộc nhận định và dẫn chứng hiện Việt Nam có hơn 700.000 DN và 5,2 triệu hộ kinh doanh.

Cũng theo Chủ tịch VCCI, DN cần sự ghi nhận, tôn trọng, tôn vinh của xã hội; cần được bảo vệ và khuyến khích phát triển. Để đạt được điều này, hệ thống thể chế cần có sự cải cách thực chất chứ không chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh về mặt số lượng. "Tạo môi trường thuận lợi cho DN vẫn là yêu cầu quan trọng nhất bởi khi mở cửa, DN nước ngoài có thể vào đây cạnh tranh với chúng ta, nếu hệ thống thể chế vẫn trói buộc thì DN trong nước sẽ thua thiệt khi hội nhập" - ông Vũ Tiến Lộc chỉ rõ.

Ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, cũng cho rằng khối DN khởi nghiệp, DN nhỏ và vừa nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ của nhà nước, DN đi trước nên có tinh thần khởi nghiệp, phát triển rất mạnh mẽ. Nhiều DN trẻ thất bại muốn quay lại thị trường, nhiều DN có khát vọng lớn, có ý thức đóng góp vào sự phát triển của kinh tế quốc gia. "Tuy nhiên, hiện có sự lẫn lộn giữa khởi nghiệp và lập nghiệp. Khởi nghiệp phải có yếu tố sáng tạo, tư duy mới, sản phẩm đột phá, cạnh tranh. Nhiều DN hiện có ý tưởng nhưng chưa hiện thực hóa được" - ông Mạc Quốc Anh nói thêm.

Để nuôi dưỡng tinh thần vì "Việt Nam hùng cường", ông Mạc Quốc Anh cho rằng nền kinh tế cần lực lượng doanh nhân khởi nghiệp đủ sức cạnh tranh. Muốn làm được, cần tập trung nguồn lực cho đội ngũ trí thức và xây dựng môi trường minh bạch, thể chế thuận lợi.

Nuôi khát vọng doanh nhân - Ảnh 1.

Doanh nghiệp trong nước cần môi trường kinh doanh lành mạnh để phát triển. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại Công ty CP Quốc tế Phong Phú. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Cần chính sách thiết thực

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Phó Chủ tịch VCCI Chi nhánh TP HCM, cuộc điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thực hiện đã lý giải vì sao DN nhỏ và vừa thời gian qua chưa phát triển mạnh. Theo đó, họ còn nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn lực cho quá trình hoạt động từ nắm bắt thông tin chính sách, pháp luật đến tiếp cận vốn; gánh nặng về chi phí không chính thức, chất lượng các dịch vụ hỗ trợ kinh doanh thấp và chưa đúng đối tượng; áp lực từ thủ tục hành chính cũng như thanh - kiểm tra của các cơ quan chức năng địa phương.

Để gỡ khó, ông Trần Ngọc Liêm cho rằng những chính sách phải thiết thực, gần gũi với DN nhỏ mà cụ thể là hỗ trợ tiếp cận vốn, đất đai, tìm kiếm khách hàng, nhà cung cấp. Cải thiện môi trường kinh doanh là cần thiết, giúp DN xóa bỏ những loại chi phí không chính thức, giảm bớt các cuộc thanh - kiểm tra…

Mặt khác, ông Mạc Quốc Anh cũng nhận xét sự liên kết giữa DN trong nước, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) còn hạn chế. Nhà nước cần có chính sách cùng những yêu cầu cụ thể với DN FDI khi kêu gọi họ đầu tư, trong đó nhấn mạnh chính sách liên kết, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ DN bản địa. "Chính sách có thể là ưu đãi nhiều hơn cho DN FDI có sự hỗ trợ DN trong nước và ngược lại với DN FDI không có sự liên kết. Nếu làm được, DN nội địa sẽ học được về công nghệ, kinh nghiệm, từ đó nâng cao năng lực. Bản thân khối FDI cũng có lợi bởi tận dụng được nhóm DN khởi nghiệp bản địa có đam mê, sáng tạo, năng động và am hiểu thị trường" - ông Mạc Quốc Anh góp ý.

Một việc khác cần chú trọng, theo ông Mạc Quốc Anh, là nhà nước cần hỗ trợ đổi mới khoa học - công nghệ; hỗ trợ các trường đào tạo, trung tâm nghiên cứu… để tạo bản lề tốt cho đội ngũ nhân sự. Đặc biệt, có thể chuyển một phần ngân sách đào tạo của nhà nước sang cho DN tự đào tạo để đạt hiệu quả cao hơn.

Ứng dụng công nghệ vào phong trào khởi nghiệp cũng được nhắc đến nhiều thời gian qua, khi phong trào này đang bùng nổ mạnh mẽ tại Việt Nam. Đề cập vấn đề này, TS Vũ Tiến Lộc nhìn nhận nhiều DN chưa đạt được tính quốc tế hóa cao để kết nối thị trường. Do đó, cần sự hỗ trợ của nhà nước trong việc giúp DN chuyển đổi số và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Tại diễn đàn, lãnh đạo Báo Người Lao Ðộng sẽ có bài phát biểu giới thiệu chương trình “Một triệu lá cờ Tổ quốc cùng ngư dân bám biển”. Sau đó, ban tổ chức diễn đàn sẽ phát động mời gọi cộng đồng DN đồng hành với chương trình.


. TS VŨ TIẾN LỘC:

Kinh tế vững thì nước mới mạnh

Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong đó sẽ giải phóng hàng chục triệu lao động ra khỏi nông nghiệp. Chính cộng đồng DN sẽ tạo ra việc làm cho người dân. Với quốc tế, chúng ta đã bước vào kỷ nguyên hội nhập, cạnh tranh gay gắt. Trong bối cảnh đó, vị thế, sự tự chủ của các quốc gia sẽ phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế của đất nước đó. Sức mạnh kinh tế của Việt Nam phụ thuộc vào sức cạnh tranh của DN.

Bác Hồ đã từng nói nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là kinh doanh của nhà công thương nghiệp thịnh vượng. Cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói DN phải là nhạc trưởng trong công cuộc phát triển đất nước. Chúng ta đặt mục tiêu trong 2-3 năm tới phải đạt chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh và chất lượng cạnh tranh nằm trong nhóm nền kinh tế hàng đầu. Đó là bước đi đầu tiên để đột phá trong giai đoạn tới.

. Ông TRẦN THANH HẢI, Tổng Giám đốc Công ty CP Be Group (ứng dụng gọi xe Be):

Phải có đam mê và niềm tin

Khi bắt đầu khởi nghiệp, vốn luôn quan trọng nhưng quan trọng hơn cả đó là doanh nhân, DN có niềm tin vào việc mình đang làm hay không, sản phẩm của mình có đủ tốt hay chưa. Nếu DN có sản phẩm tốt, chắc chắn sẽ có quỹ để mắt đến. Phải thật sự yêu ý tưởng của mình, đam mê và dồn toàn bộ tâm sức thì mới tìm được lối đi rõ ràng để biến ý tưởng thành hiện thực.

Các DN khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực công nghệ, nên đi gọi vốn. Ngoài việc có thêm nguồn lực để DN mở rộng thị trường nhanh hơn còn để chứng minh nếu gọi vốn thành công tức những gì doanh nhân làm là đúng, củng cố thêm lòng tin cho những người sáng lập, khởi nghiệp cũng như đội ngũ nhân sự. Nếu bạn không đi gọi vốn, có thể bạn không biết chuyện bạn đang làm có đúng hay không và có đáng giá để theo đuổi hay không.

. TS BÙI QUANG TÍN, CEO Trường Doanh nhân Bizlight:

Không đứng ngoài xu thế hội nhập

Bất cứ doanh nhân nào cũng có khát vọng đưa DN mình phát triển để đóng góp nhiều hơn cho gia đình, xã hội, nền kinh tế. Vì vậy, DN luôn đặt nhiều kỳ vọng vào sự hỗ trợ của nhà nước trong việc cung cấp những thông tin chính sách về các hiệp định thương mại (FTA) đã, đang và sẽ ký kết để có cơ hội nhiều hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại... Các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cũng nên tăng cường cung cấp thông tin, hỗ trợ kết nối để DN có thêm cơ hội gia nhập các chuỗi giá trị toàn cầu. Ngược lại, trong xu hướng hội nhập, không DN nào có thể "đứng ngoài cuộc" mà phải trở thành một phần của chuỗi giá trị. Muốn vậy, bản thân từng doanh nhân, DN phải trang bị cho mình kiến thức hội nhập, nắm bắt, hiểu biết tốt về các chính sách, FTA, hòa nhập vào hơi thở của sự thay đổi trong nền kinh tế nhằm nắm bắt tốt cơ hội. Từ đó, đưa DN mình phát triển lên tầm cao mới, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo