xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế đất nước

PHƯƠNG NHUNG - THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG

Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng họ không mong nhà nước hỗ trợ điều gì lớn lao, chỉ mong những kiến nghị của họ được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi trong thực tế

Cuộc vận động "Doanh nghiệp (DN), doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế" (gọi tắt là Cuộc vận động) diễn ra hôm nay 3-9 nhằm khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cộng đồng DN, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN nhà nước.

Trách nhiệm của doanh nhân

Ông Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương (KTTƯ), Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động - đánh giá Cuộc vận động thể hiện sự đổi mới trong cách thức phổ biến, tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng đến với cộng đồng DN, doanh nhân. Từ đó, giúp cộng đồng DN, doanh nhân nâng cao được nhận thức của mình và nâng cao được ý thức chấp hành chủ trương đường lối của Đảng và pháp luật của nhà nước.

"Mặt khác, thông qua Cuộc vận động, DN, doanh nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có điều kiện để thể hiện mạnh mẽ hơn nữa ý thức trách nhiệm đối với dân tộc, xã hội, thông qua hoạt động sản xuất - kinh doanh năng động, đóng góp ý kiến của mình với Đảng, nhà nước để Đảng, nhà nước tiếp tục hoàn thiện các chủ trương, đường lối, cơ chế chính sách phù hợp hơn với nhu cầu phát triển của DN và doanh nhân trong giai đoạn tới" - Trưởng Ban KTTƯ Nguyễn Văn Bình nói.

Nhấn mạnh mục tiêu xây dựng đất nước lớn mạnh, dân giàu, xã hội công bằng và văn minh, ông Nguyễn Văn Bình cũng cho rằng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng luôn chăm lo bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ DN có ý thức chính trị, lòng yêu nước, trách nhiệm với xã hội, chấp hành các chủ trương đường lối của Đảng, nhà nước; có tinh thần tự lực, tự cường, tự tôn, tự hào dân tộc và gắn bó mật thiết với lợi ích quốc gia, dân tộc.

Doanh nhân hiến kế phát triển kinh tế đất nước - Ảnh 1.

Doanh nghiệp trong nước luôn cần cơ chế thoáng để phát triển. Trong ảnh: Dây chuyền chế biến cá tra của một doanh nghiệp tại ĐBSCL Ảnh: NGỌC TRINH

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết phong trào được phát động nhằm góp phần hoàn thiện các cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. "VCCI kêu gọi cộng đồng tích cực tham gia bởi chính sự trải nghiệm của DN, với mồ hôi công sức, chứ không ai khác, tham gia hiến kế sẽ hiệu quả về cơ chế, chính sách" - ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, Cuộc vận động có ý nghĩa to lớn bởi cải cách thể chế vẫn là dư địa lớn nhất để phát triển kinh tế. Ông Lộc dẫn chứng qua đợt rà soát đầu tiên, VCCI ghi nhận riêng các luật, pháp luật về đầu tư, môi trường, đấu thầu, nhà ở, xây dựng ít nhất có 20 điểm chồng chéo, khiến DN không biết làm thế nào. Do đó, VCCI sẽ tập hợp kiến nghị trên cả nước để trình Quốc hội, Chính phủ tháo gỡ theo hướng minh bạch, nhất quán, không chồng chéo.

Mong kiến nghị được ghi nhận

Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động trước thềm Cuộc vận động, không ít DN cho rằng họ không mong nhà nước hỗ trợ điều gì lớn lao mà mong những kiến nghị của họ được tiếp thu, ghi nhận và sửa đổi trong thực tế.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM, nêu thực tế mọi DN khi thành lập đều muốn tìm kiếm lợi nhuận và làm ăn thuận lợi. Nhiều chủ DN tâm sự không cần hỗ trợ về tiền bạc, đất đai mà chỉ cần chính sách thông thoáng, rõ ràng và được yên ổn làm ăn. "Thứ DN cần là nhà nước cải cách hành chính nhiều hơn nữa, kể cả về pháp luật lẫn con người để tháo gỡ các rào cản gây trở ngại hoạt động của họ và phù hợp với các hiệp định tự do để họ có thể tận dụng cơ hội, giảm thiểu rủi ro" - ông Hưng nói.

Đáng nói hơn, theo ông Hưng, nhà nước muốn DN hiến kế xây dựng đất nước thì trước tiên, nhà nước phải chứng minh cho DN thấy những kiến nghị, góp ý của DN lâu nay đã được tiếp thu, ghi nhận và có điều chỉnh chính sách, pháp luật theo những góp ý thực tế đó. "Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ quy định mỗi năm chỉ được thanh, kiểm tra DN 1 lần nhưng thực tế, trong 2 tháng qua, 1 DN sản xuất bánh trung thu nổi tiếng tại TP HCM phải tiếp đến 3 đoàn kiểm tra khiến họ rất bức xúc. DN tư nhân chiếm hơn 40% GDP cả nước và thậm chí còn cao hơn nếu tính GDP theo phương pháp mới. Vì vậy, nhà nước phải tính toán hỗ trợ họ phát triển, đừng làm phiền, gây trở ngại cho họ; phải cải tổ, đổi mới bộ máy quản lý hành chính nhà nước" - ông Hưng góp ý.

Nhìn nhận DN thời gian qua đã tin tưởng và có động lực hơn trong môi trường cạnh tranh lành mạnh khi Đảng, nhà nước mạnh tay xử lý lợi ích nhóm, song ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương, bày tỏ mong muốn Chính phủ xem xét, rà soát và tháo gỡ thực trạng văn bản luật chồng chéo vốn tồn tại nhiều năm nay.

Ông này dẫn chứng trong lĩnh vực hàng không, ngành này đang phát triển rất nhanh nhưng chưa "mở khóa" được cơ sở hạ tầng; thủ tục hành chính chưa đồng bộ, rườm rà, dẫn tới "tắc trên nghẽn dưới". Trong khi đó, hàng không đi liền với du lịch, muốn du lịch phát triển thì hàng không phải dẫn đường và tạo thuận lợi tối đa để thu hút du khách. "Chủ trương có rồi, cái DN mong đợi là giải pháp; phải tập trung triển khai các giải pháp tháo gỡ vướng mắc càng sớm càng tốt" - ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.

Ông Lê Quốc Phong, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, bày tỏ tâm tư khi trước nay, mỗi chính sách, luật được ban hành đều có đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhiều nhóm đối tượng nhưng khi luật ra đời vẫn giữ nguyên những quy định bất hợp lý mà DN đã chỉ ra. "Nhiều lần như vậy khiến DN nản, không muốn lên tiếng nữa. Nếu kéo dài tình trạng này sẽ rất đáng lo vì Đảng, nhà nước sẽ không nghe được ý kiến phản hồi của DN" - ông Phong nói.

Cuộc vận động do Ban KTTƯ phối hợp các cơ quan có liên quan tổ chức gồm: Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp trung ương; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Đài Truyền hình Việt Nam; VCCI…


PGS-TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam:

DN "đặt hàng" sòng phẳng

Nhu cầu đổi mới mạnh mẽ bắt đầu từ hàng chục năm nay với tái cơ cấu, với đổi mới mô hình tăng trưởng và tập trung vào những đột phá nhưng kết quả đạt được chưa cao. Trong bối cảnh đó, cách đây 2 năm, với Nghị quyết Trung ương 5, chúng ta đã đi vào những vấn đề rất cốt lõi của phát triển nền kinh tế và có những thay đổi rất cơ bản trong nhận thức khi coi kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng và nỗ lực cải cách DN nhà nước.

Tôi nghĩ rằng Cuộc vận động đúng lúc này sẽ thu hút được trí tuệ của DN, doanh nhân, nhất là khi được đặt trên nền tảng không có phân biệt khối tư nhân hay nhà nước, trong hay ngoài nước. Doanh nhân người Việt ở nước ngoài là một lực lượng có cách tiếp cận thể chế rất hiện đại, gắn với hội nhập, nên họ có những gợi ý chính sách vô cùng thiết thực giúp cho chính sách mang tính khuyến khích nhiều hơn, đặc biệt là khuyến khích ở lĩnh vực công nghệ cao.

Bây giờ chỉ còn lại một điều là chúng ta lắng nghe như thế nào? Chúng ta cũng đã tổ chức nhiều lần lắng nghe như thế này nhưng chưa đủ kỳ vọng. Lần này, Cuộc vận động sẽ phải có cách lắng nghe khác. DN "đặt hàng" một cách sòng phẳng để nhà nước với vai trò của mình có đường lối, định hướng. Như thế, tính cam kết trách nhiệm, sự hào hứng của DN cũng cao hơn.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FIIN Group:

Lắng nghe để kiến tạo

DN Việt Nam rất đông nhưng quy mô nhỏ, manh mún. Rất ít DN có thể tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu và gặp bất lợi trong nền kinh tế mở hiện nay, nhất là thiếu công bằng khi so sánh với DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Chính phủ cần tạo sân chơi bình đẳng cho DN trong và nước ngoài, trong đó chú ý nâng quy mô của DN trong nước để có thể khai thác thị trường nội địa và cạnh tranh sòng phẳng.

Về cụ thể, tôi góp ý nhà nước nên hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân trong một số ngành cụ thể để có thể tận dụng được lợi thế trên sân nhà, chẳng hạn như du lịch và nông nghiệp. Với khối FDI, vai trò của họ là không cần bàn cãi, tuy vậy, lệ thuộc vào họ cũng có rủi ro và đóng góp của họ với Việt Nam lại không lớn. Đó là bài học cho chúng ta.

Đảng đã xác định kinh tế tư nhân là một phần quan trọng nên việc lắng nghe ý kiến của DN tư nhân trong và ngoài nước là điều không có gì bàn cãi nếu như Chính phủ muốn kiến tạo.

P.Nhung ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo