Thông tin trên được ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đưa ra tại hội nghị giao ban xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2013 do Bộ Công Thương tổ chức ở TP HCM sáng 17-10.
Theo ông Phong, xuất khẩu gạo giảm 13% về sản lượng và 17% về giá trị (9 tháng đầu năm xuất được hơn 5,3 triệu tấn, trị giá hơn 2,3 triệu USD) so với cùng kỳ năm 2012. Kế hoạch xuất khẩu 7,5 triệu tấn gạo tuy đã được điều chỉnh xuống 7 triệu tấn nhưng chắc chắn không thể đạt được.
Tuy nhiên, thị trường đang có diễn biến khác lạ khi lượng gạo xuất khẩu tiểu ngạch qua Trung Quốc quá lớn. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy từ đầu năm đến nay, khoảng 1,2 triệu tấn gạo đã bán ra khu vực phía Bắc, phần lớn xuất qua biên giới và nhiều nhất là qua cửa khẩu Lào Cai. Đầu tháng 10-2013, mỗi ngày có khoảng 5.000 tấn gạo xuất qua cửa khẩu Lào Cai nhưng nay đã tăng lên 8.000 - 10.000 tấn/ngày. Giá gạo tại biên giới chỉ khoảng 9.000 đồng/kg và không có yêu cầu về chất lượng.
Khoảng 30 doanh nghiệp (DN) không có giấy phép xuất khẩu gạo đang gom hàng đưa qua biên giới. Để hợp thức hóa, các DN này vào phía Nam nhờ DN đầu mối xuất khẩu gạo ký khống vào hợp đồng xuất khẩu với mức hoa hồng khoảng 1-2 USD/tấn. Điều này dẫn đến tình trạng hợp đồng đăng ký xuất khẩu thì qua VFA nhưng không có số lượng, VFA không thể kiểm chứng hàng hóa. Với tình trạng ký khống, xuất khống thế này, trong tương lai gần, ngành lương thực cũng sẽ gặp rắc rối về hoàn thuế GTGT như ngành cà phê, ca cao.
Xuất khẩu 9 tháng tăng 15,5% Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2013 đạt 96,27 tỉ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm 2012 và tăng cao hơn so với tăng trưởng nhập khẩu. Kim ngạch xuất khẩu các nhóm ngành hàng chủ lực như cà phê, gạo, sắn và sản phẩm từ sắn đều giảm. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng là nhờ nhóm hàng công nghiệp chế biến tăng 26,8% so với cùng kỳ. Trong đó, điện thoại di động tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất (15,52 tỉ USD), tăng 79,9% so với cùng kỳ. |
Bình luận (0)