Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Lê Đăng Doanh đặc biệt nhấn mạnh đến sự cần thiết phải vực dậy tinh thần kinh doanh, mà theo ông là đã và đang bị tổn thương nghiêm trọng.
“Dọn dẹp nhà cửa thì đừng mong nhảy cao”
Từ mục tiêu phát triển nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng nhanh của giai đoạn hiện tại, giữ ổn định kinh tế vĩ mô đã trở thành ưu tiên số 1 khi xây dựng kế hoạch 5 năm 2016- 2020, theo chỉ thị của Thủ tướng. Ông có bình luận gì?
Muốn đặt mục tiêu cho sát thì cần đánh giá đầy đủ cả tác động bên trong và bên ngoài tới nền kinh tế nước ta.
Với bên ngoài thì chúng ta phải nhìn nhận rất rõ ràng là ý đồ bá quyền, độc chiếm biển Đông của Trung Quốc là không thể phủ nhận được. Việt Nam cần điều chỉnh chính sách đối nội, đối ngoại để gìn giữ hòa bình, bảo vệ biển đảo, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.
Còn tình hình trong nước thì phải nói rõ ràng là kế hoạch 5 năm hiện tại đã để lại cho kế hoạch 5 năm sau quá nhiều món nợ bắt buộc phải giải quyết để nền kinh tế có thể tiếp tục phát triển bền vững.
Thứ nhất là toàn bộ nợ xấu chưa giải quyết được, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại đang có quá nhiều vấn đề. Cần đề ra lộ trình giải quyết "cục máu đông" này, không thể để kéo dài mãi.
Thứ hai, tái cơ cấu đầu tư công cũng chỉ có những chuyển biến bước đầu rất khiêm tốn, chủ yếu là cắt giảm một số dự án quá vô lý và không bố trí được vốn . Trong khi nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn hết sức mập mờ, thì mới đây báo chí đưa tin là UBND tỉnh Bắc Ninh nợ trùm xã hội đen Minh “sâm” 400 tỉ đồng. Nếu đó là thông tin chính xác thì nó nói lên rất nhiều vấn đề: nợ đọng xây dựng cơ bản trong cả nước là bao nhiêu, sẽ giải quyết thế nào, bao giờ?
Tại một số diễn đàn tôi đã từng phân tích, hệ thống phân bổ nguồn lực và lợi ích hiện tại làm cho chênh lệch giàu nghèo tăng lên, năng lực cạnh tranh giảm sút và động lực kinh doanh của doanh nhân bị hạn chế. Mặt khác cũng làm cho một thiểu số trở nên giàu có quá nhanh chóng trong khi họ không có đóng góp gì vào thu ngân sách và tiến bộ xã hội.
Thứ ba, cải cách doanh nghiệp nhà nước vẫn ì ạch, sức khỏe của cả cộng đồng doanh nghiệp rất yếu ớt. Mấy năm qua đã có khoảng 200 nghìn doanh nghiệp chết, còn lại hơn 400 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động thì chỉ có 120 doanh nghiệp được coi là doanh nghiệp khoa học công nghệ - tức là có sản phẩm mới, có chứng chỉ, bằng phát minh sáng chế... Trong khi chúng ta sống trong thời đại chỉ có thể phát triển bằng khoa học công nghệ mà thôi.
Theo tôi, điều đáng lo ngại là môi trường kinh doanh đã xấu đi, nhất là sau vụ án Huyền Như và “bầu" Kiên. Không ít doanh nhân đã từ bỏ kinh doanh, bán doanh nghiệp, góp phần làm cho làn sóng mua bán doanh nghiệp tăng lên rất nhanh. Một số ông chủ doanh nghiệp lớn tâm tư với tôi là thay vì kinh doanh trong môi trường đầy rủi ro hiện nay thì thà đi chơi còn hơn.
Bởi vậy cho nên tốc độ tăng trưởng của 5 năm tới không thể đạt quá cao mà phải là tăng trưởng bền vững, kế hoạch 2016 - 2020 phải chủ yếu là kế hoạch tái cấu trúc kinh tế, cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập quốc tế. Mà khi anh dọn dẹp nhà cửa thì đừng mong nhảy cao được, đừng mong chạy nhanh được, anh nên đặt mục tiêu vừa phải.
“Người dân đang khát khao cải cách”
Vậy mức nào được coi là vừa phải, thưa ông?
Có một vấn đề là với mức tăng dân số hàng năm hiện nay, nếu Việt Nam chỉ tăng trưởng 5%/năm thì chủ yếu chỉ vừa đủ để duy trì mức sống thôi, cải thiện đời sống sẽ rất hạn chế. Trong khi sức ép về tạo việc làm rất lớn. Bạn thấy đấy, chưa bao giờ trộm cắp, cướp bóc hoành hành như thế này, khi mà nhiều người rơi vào cảnh thất nghiệp.
Tuy nhiên, nếu thực sự mong muốn cải cách và bắt tay vào cải cách một cách mạnh mẽ thì mức tăng GDP từ 6,5 - 7% vẫn có thể đạt được, mặc dầu 1 - 2 năm đầu chỉ đạt khoảng 5,5 - 6% thôi.
Người dân hiện nay rất đang khát khao cải cách, họ mong thông điệp đầu năm của Thủ tướng về cải cách thể chế sẽ được thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả.
Vậy nên tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng kế hoạch 5 năm tới phải là kế hoạch đổi mới lần hai và cải cách mạnh mẽ những gì từ trước đến nay chưa cải cách được.
Đặc biệt là cải cách môi trường kinh doanh một cách căn bản, rõ ràng và có bước đi rất cụ thể, tạo ra sự tin cậy của cả nhân dân và nhà đầu tư.
Ông vừa nói đến thông điệp cải cách thể chế từ người đứng đầu Chính phủ. Cá nhân ông cũng đã từng được mời tham vấn nhiều cuộc về cải cách thể chế kinh tế từ Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Như vậy "chìa khóa" của tăng trưởng và phát triển ổn định chính là cải cách thể chế?
Trong bối cảnh hiện nay nếu không cải cách mạnh mẽ thì không chỉ doanh nghiệp mà người dân cũng khó chấp nhận. Kế hoạch 5 năm hiện tại cũng vẫn còn thời gian và không gian để cải cách, nếu muốn vẫn có thể hoàn toàn tận dụng được.
Bước sang kế hoạch 5 năm tới thì yêu cầu rất bức thiết là phải cải cách thể chế nhà nước đồng thời với thể chế kinh tế thị trường và thay đổi luật chơi. Tựu trung lại là tạo ra môi trường cho người nào giỏi thì an tâm làm ăn lâu dài.
Ba trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế cũng cần phải có mục tiêu và lộ trình rõ ràng, thì mới có thể vực dậy tinh thần kinh doanh đang bị tổn thương nghiêm trọng.
Bình luận (0)