Sắp tới, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi di chuyển, không chỉ là ứng dụng có "xuất xứ ngoại". Trong ảnh: xe ôm công nghệ của một hãng trong nước chuẩn bị ra mắt - Ảnh: Q.AN
Sắp tới, người tiêu dùng sẽ có thêm nhiều lựa chọn khi di chuyển, không chỉ là ứng dụng có “xuất xứ ngoại”. Trong ảnh: xe ôm công nghệ của một hãng trong nước chuẩn bị ra mắt - Ảnh: Q.AN
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trí Dũng - Tổng giám đốc Công ty cổ phần xe khách Phương Trang - cũng xác nhận Phương Trang quyết định mua Vivu và đổi tên thành VATO.
Ông Trần Thành Nam, sáng lập ứng dụng gọi xe công nghệ Vivu, xác nhận doanh nghiệp vận tải xe khách Phương Trang đã đầu tư 100 triệu USD vào Vivu và đổi tên ứng dụng thành VATO.
Điểm khác biệt, ông Trần Thành Nam cho biết ứng dụng gọi xe này cho phép người dùng mặc cả với lái xe (giá tối thiểu VATO đưa ra) để có thể nhanh chóng hoàn thành chuyến đi.
Có nghĩa là, chẳng hạn, khi khách đặt xe nhìn thấy mức giá hiển thị là 100.000 đồng cho quãng đường đi, người đặt nếu chê đắt có thể trả giá còn 80.000 đồng, nếu tài xế đồng ý thì chuyến xe xuất phát.
Nhận định chức năng này cả Uber và Grab đều không có, tuy nhiên ông Nam cho hay ứng dụng mới cạnh tranh với Grab dự kiến chính thức ra mắt tại Hà Nội và TP.HCM trong tháng 4-2018.
Với số lượng xe hơi đăng ký hiện tại 2.000 xe, ông Nam cho biết giá tiền khách hàng phải trả 8.500 đồng/km tương tự như Grab Car, nhưng tỉ lệ chiết khấu tài xế phải nộp là 20% vẫn thấp hơn 5% so với Grab đang thu hiện tại.
Trong khi đó, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh, cho biết số lượng đối tác là tài xế ôtô và xe máy của Uber sang đăng ký gấp nhiều lần so với trước đây.
Tạo khác biệt với Grab, ông Huy cho biết với Mai Linh Bike, hãng cam kết chỉ thu 15% chiết khấu và tặng 100% phí đồng phục cho đối tác lái xe nếu trong tháng đầu đạt doanh thu từ 2,5 triệu đồng trở lên.
Đặc biệt, Mai Linh mua bảo hiểm cho tất cả đối tác lái xe sau khi đối tác hoạt động được 6 tháng. Mức giá cước được Mai Linh Bike áp dụng là 11.000 đồng/2km đầu và 3.700 đồng/km tiếp theo, và cam kết không tăng giá vào giờ cao điểm.
Trong khi đó, ông Trương Đình Quý, Phó tổng giám đốc Taxi Vinasun, cho biết Dự thảo Nghị định 86 quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô (sửa đổi đang được Bộ GTVT gửi qua Bộ Tư pháp thẩm định) không những đã không có thay đổi về khái niệm xe vận tải hợp đồng, mà còn đưa thêm quy định về thực hiện hợp đồng điện tử...
Trong khi theo ông, hợp đồng bằng giấy hay điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giao kết hợp đồng đang được thực hiện ở cả đường thủy và đường không. Vì vậy, không thể có thêm một mô hình kinh doanh là hợp đồng vận tải điện tử.
Ông Quý kiến nghị Dự thảo Nghị định 86 cần bổ sung quy định UBND tỉnh, thành có quyền và trách nhiệm phải quy hoạch lượng xe "taxi công nghệ", phù hợp với quy hoạch.
Đáng lưu ý, ông Quý kiến nghị bổ sung quy định về đăng ký giá và quy định giá trần, giá sàn cho các loại xe kinh doanh vận tải bằng ôtô.
Bình luận (0)