Ngày 26-3, Grab chính thức thông báo vừa mua lại toàn bộ hoạt động kinh doanh của Uber tại khu vực Đông Nam Á, chấm dứt cuộc chiến nảy lửa giành thị phần đã khiến cả hai bên thất thoát hàng tỉ USD mỗi năm.
Cuộc sáp nhập lớn nhất trong khu vực
Thông cáo đăng tải trên trang web của hãng Grab, có trụ sở ở Singapore, cho biết đây là thỏa thuận sáp nhập lớn nhất từ trước tới nay tại khu vực.
Theo đó, phía Grab thu mua toàn bộ hoạt động của Uber tại khu vực hơn 620 triệu dân này, trong đó có cả dịch vụ giao nhận thức ăn UberEats. Đổi lại, Uber sẽ nhận 27,5% cổ phần trong Grab, đồng thời CEO của Uber Dara Khosrowshahi sẽ tham gia ban lãnh đạo Grab. Đồng sáng lập của Grab Tan Hooi Ling nhấn mạnh hãng này sẽ nhanh chóng mở rộng dịch vụ giao nhận thức ăn nhanh GrabFood đến toàn bộ quốc gia Đông Nam Á vào quý tới.
Đối với Uber, rút khỏi thị trường Đông Nam Á sau khi đã đầu tư vào đây 700 triệu USD là hành động nhằm cắt giảm lỗ trước dự định niêm yết cổ phiếu ra công chúng vào năm 2019. Thế nhưng, thỏa thuận này đánh dấu cuộc rút lui mới nhất trên thị trường quốc tế của công ty khởi nghiệp Mỹ có giá trị lớn nhất thế giới. Uber đã bán thị phần ở Trung Quốc cho hãng gọi xe địa phương Didi Chuxing vào năm 2016 và có các cuộc đàm phán tương tự với hãng Yandex ở Nga năm 2017.
Văn phòng của Uber và Grab ở Singapore ngày 26-3 Ảnh: REUTERS
Cả Grab và Uber đều khẳng định thỏa thuận này là thắng lợi cho khách hàng sử dụng dịch vụ của mình. Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo giá cả dịch vụ sẽ cao hơn. "Sự sáp nhập công ty này có nghĩa là người đi xe sẽ có ít lựa chọn hơn và chi phí dường như có xu hướng gia tăng theo thời gian" - chuyên gia phân tích vận tải Corrine Png từ hãng nghiên cứu Crucial Perspective (ở Singapore) nhận định.
Mặt khác, thỏa thuận này đang làm nổi lên câu hỏi: Uber sẽ làm gì tiếp theo ở châu Á? Bởi lẽ, hãng hiện chỉ còn vận hành ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ, trong khi ở các thị trường đó, họ cũng đang đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt của một số đối thủ địa phương cũng như các đối thủ quốc tế khác.
Theo Bloomberg, thỏa thuận có thể coi như sự "đình chiến" với Uber nêu trên đánh dấu chiến thắng đối với Grab cũng như tập đoàn SoftBank của Nhật Bản - cổ đông lớn nhất của cả 2 công ty này. Tập đoàn của tỉ phú giàu số 2 Nhật Bản Masayoshi Son được cho là đã tìm cách đẩy mạnh giảm thiểu cạnh tranh ở thị trường gọi xe Đông Nam Á - được dự báo sẽ đạt tới giá trị 20,1 tỉ USD vào năm 2025. Ngoài Grab, SoftBank cũng là nhà đầu tư lớn của nhiều đối thủ khác của Uber như Didi Chuxing (Trung Quốc) và Ola (Ấn Độ). Bốn hãng này đang cung cấp khoảng 45 triệu lượt xe gọi/ngày.
Giới phân tích cho rằng SoftBank đã thúc đẩy Uber và Grab về một nhà để cải thiện doanh thu, tập trung nguồn lực cạnh tranh với các đối thủ mới cũng như những ông lớn muốn gia nhập thị trường Đông Nam Á, như Lyft tới từ Mỹ.
Ứng dụng Uber vẫn hoạt động trong 2 tuần tới
Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 26-3 ở Việt Nam, Grab cam kết sau khi hoàn thành việc sáp nhập, hãng này sẽ tích hợp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặt xe công nghệ và giao nhận thức ăn (Uber Eats) của Uber tại Đông Nam Á vào nền tảng công nghệ tài chính và di chuyển đa phương thức hiện có của mình.
Để giảm thiểu những gián đoạn có thể xảy ra, Grab cho biết đang làm việc với Uber nhằm nhanh chóng tích hợp các đối tác tài xế Uber, khách hàng Uber Eats, đối tác kinh doanh và giao nhận của Uber vào nền tảng ứng dụng Grab. Theo đó, tại Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, ứng dụng Uber vẫn hoạt động trong 2 tuần tới, tức đến ngày 8-4 mới chính thức sáp nhập Grab hoàn toàn. Riêng dịch vụ Uber Eats vẫn hoạt động đến cuối tháng 5-2018, sau đó các đối tác giao nhận và nhà hàng của Uber cũng được chuyển qua nền tảng GrabFood.
Với dịch vụ chủ lực là kết nối di chuyển, Grab khẳng định sau khi sáp nhập sẽ tiếp tục phát triển thêm nhiều dịch vụ phù hợp từng địa phương và nhiều giải pháp di động mới. Đồng thời, phối hợp với chính phủ và các nhà điều hành giao thông công cộng ở các nước để kết nối dịch vụ giao thông công cộng.
Bên cạnh đó, với việc thanh toán và các dịch vụ tài chính, Grab sẽ nâng cao và mở rộng các dịch vụ trong nền tảng Grab Financial, bao gồm thanh toán điện tử, tài chính vi mô, bảo hiểm, các dịch vụ tài chính khác...
Bình luận (0)