Trước khi chào sàn HoSE vào hồi tháng 4-2017, Petrolimex đã "thể hiện mình" bằng kết quả kinh doanh lãi kỷ lục năm 2016: lợi nhuận trước thuế năm 2016 là 6.300 tỉ đồng, tăng 2.000 tỉ đồng so với năm 2015; lợi nhuận sau thuế hợp nhất toàn tập đoàn đạt 5.166 tỉ đồng, tăng 50% so với năm 2015; lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 4.254 đồng, chỉ sau Vinamilk và Sabeco.
Hai yếu tố "vàng" cho Petrolimex
Với doanh thu 123.127 tỉ đồng trong năm 2016, Petrolimex đã đạt mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử của tập đoàn này kể từ khi thành lập và đã thể hiện được màn chào sàn vô cùng ấn tượng. Mức giá chào sàn 43.200 đồng/cổ phiếu cùng vốn điều lệ 12.938 tỉ đồng đã khiến cổ phiếu Petrolimex chính thức nằm trong tốp 10 cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngày giao dịch đầu tiên. "Đáng nể" nhất là sau 3 tháng lên sàn, mỗi cổ phiếu PLX đã tăng giá đến 60%. Cùng với đó, doanh nghiệp (DN) nhà nước này cũng tự phá kỷ lục của mình khi đề xuất một phương án chi trả cổ tức ấn tượng chưa từng thấy, lên đến 32,24% bằng tiền mặt.
Câu hỏi đặt ra là những yếu tố nào giúp Petrolimex thu được khoản lợi nhuận tăng mạnh trong thời gian ngắn như vậy?
Có 2 nguyên nhân được coi là yếu tố "thiên thời địa lợi" cho Petrolimex. Thứ nhất, giá dầu trên thị trường thế giới sụt giảm theo đà sẵn có của 2 năm gần đây, dẫn đến giá vốn hàng bán giảm với tốc độ cao hơn doanh thu, khiến lợi nhuận gộp tăng mạnh. Đó là chưa kể con số hạch toán lỗ tỉ giá 1.075 tỉ đồng năm 2015 đã giảm mạnh, còn 276 tỉ đồng vào năm 2016. Thứ hai, nhờ Nghị định 83/NĐ-CP về việc kinh doanh xăng dầu, chi phí theo quy định đối với các mặt hàng xăng, dầu được tăng từ 860 đồng/lít lên 1.050 đồng/lít hoặc 950 đồng/lít. Cùng với đó, việc chuyển từ sử dụng thuế nhập khẩu ưu đãi (MFN) sang thuế bình quân gia quyền đã khiến cho thuế suất giảm đáng kể.
Chia sẻ với phóng viên Báo Người Lao Động về giá cổ phiếu ảnh hưởng bởi kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2016, đại diện Petrolimex thừa nhận một trong những nguyên nhân chính là "mục tiêu điều hành nhà nước phù hợp với từng thời kỳ". Theo đó, trước đây, có những thời điểm Petrolimex lỗ bởi mục tiêu Chính phủ đặt ra là ổn định kinh tế vĩ mô, không thể điều hành giá xăng dầu trong nước theo đà biến động quá cao của thế giới nhằm tránh tác động đến kinh tế trong nước. Đến nay, khi kinh tế vĩ mô đã ổn định thì đương nhiên sẽ tác động tốt đến hiệu quả làm ăn của DN.
Petrolimex lãi đậm trong những năm gần đâyẢnh: TẤN THẠNH
Đã qua thời lỗ ảo - lãi thật
Dù nhận được sự hỗ trợ tốt từ chính sách cũng không thể phủ nhận chiến lược bài bản của Petrolimex cũng như cơ quan chủ quản là Bộ Công Thương trong việc lựa chọn đối tác chiến lược là tập đoàn năng lượng Nhật Bản JX Nippon Oil and Energy với tỉ lệ sở hữu 8% cổ phần.
Nhấn mạnh việc cần những đối tác có kinh nghiệm quản trị DN để giúp Petrolimex hoạt động kinh doanh có hiệu quả và từ chối đầu tư tài chính đơn thuần, đại diện Petrolimex cho hay JX Nippon Oil and Energy được "chọn" chính bởi đây là một trong những tập đoàn xăng dầu lớn nhất Nhật Bản với 36% thị phần nội địa có thể đáp ứng được nhu cầu phía Việt Nam đặt ra.
Thực tế, cổ phiếu PLX không phải là không có giá khi các đối tác nước ngoài nhìn vào tiềm năng từ quy mô, cơ sở vật chất, hệ thống phân phối, nhất là khi "anh cả" xăng dầu vẫn chiếm lĩnh đến 48% thị phần toàn quốc như hiện nay. "Thời kỳ bắt đầu cổ phần hóa thì chúng tôi đang trong bối cảnh đi từ cơ chế bù lỗ. Thông báo, tiếp xúc nhiều nơi mà họ đều đặt vấn đề lỗ nên không tham gia. Đến khi nước ngoài được vào thị trường xăng dầu Việt Nam thì họ đã nhìn thấy một giá trị, một cơ sở mang tính chất tiềm năng để đầu tư DN" - đại diện Petrolimex lý giải tại sao các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, quyết định tìm hiểu một DN có lịch sử thành tích kinh doanh có thể nói là "thất thường" như Petrolimex.
Kết quả JX Nippon Oil and Energy thu nhận được từ thành quả kinh doanh năm 2016 của Petrolimex với mức nắm giữ hơn 103 triệu cổ phiếu là khoảng 333 tỉ đồng.
Tất nhiên, giới chuyên gia cho rằng vẫn phải nhìn nhận Petrolimex dưới góc độ một DN nhà nước vẫn nắm giữ đến hơn 75% vốn để thấy rằng hệ thống cơ sở vật chất, mạng lưới kinh doanh không dễ gì có được này là do nhà nước và thuộc nhà nước sở hữu.
"Do đó, dù cơ hội với nhà đầu tư còn nhiều khi theo quy định, Petrolimex có thể phải tiếp tục giảm phần vốn nhà nước xuống dưới 65% sau cổ phần hóa nhưng việc thu hồi vốn vẫn phải bảo đảm nguyên tắc tối ưu hóa lợi ích nhà nước. Hơn nữa, để thực hiện được cũng cần lộ trình dài" - một chuyên gia tài chính góp ý.
Đang chịu áp lực cạnh tranh lớn
Không thể phủ nhận vị trí đứng đầu của Petrolimex trên thị trường xăng dầu Việt Nam nhưng phải thừa nhận thực tế là DN này sẽ khó có thể tăng thêm thị phần, thậm chí buộc phải thu hẹp hơn nữa. Đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn (của Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu 8 và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) được kỳ vọng sẽ đem đến một nhà phân phối nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong lĩnh vực phân phối xăng dầu là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu 8 theo cam kết của Chính phủ. Cam kết chưa có tiền lệ này được coi là áp lực không nhỏ cho cổ phiếu PLX trên thị trường.
Bình luận (0)