Số liệu của Ngân hàng (NH) Nhà nước cho thấy 7 tháng đầu năm 2014, các NH thương mại đã xử lý hơn 40.000 tỉ đồng nợ xấu. Trong đó, khách hàng trả nợ 14.300 tỉ đồng; bán, phát mãi tài sản được 1.500 tỉ đồng; bán cho các tổ chức, cá nhân gần 15.000 tỉ đồng và xử lý bằng dự phòng rủi ro 8.300 tỉ đồng...
Gửi tạm VAMC là chính
Các con số nêu trên chứng tỏ hệ thống NH tự thân xử lý nợ xấu không mấy khả quan bởi tỉ lệ nợ xấu thực tế cao hơn so với số liệu NH báo cáo. Do đó, nhiều NH đang tập trung bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC - đơn vị được thành lập giữa năm 2013 để xử lý nợ xấu).
Sau khi bán cho VAMC 900 tỉ đồng nợ xấu vào cuối năm 2013, trong 9 tháng đầu năm 2014, NH Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) bán thêm gần 1.000 tỉ đồng và đang hoàn thiện hồ sơ để bán tiếp 2.000 tỉ đồng. NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã bán gần 1.000 tỉ đồng và sẽ bán thêm vài trăm tỉ đồng trong quý IV/2014. NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) cũng đã bán 800 tỉ đồng và dự kiến bán thêm khoảng 1.500-1.800 tỉ đồng cho VAMC. Ngay cả NH Sài Gòn (SCB) đã bán cho VAMC 6.000 tỉ đồng, nay dự kiến bán tiếp 1.000 tỉ đồng trong thời gian tới.
Về nguyên tắc, khi bán một khoản nợ xấu cho VAMC, NH nhận trái phiếu đặc biệt của công ty này với thời hạn 5 năm, đồng thời trích lập dự phòng rủi ro 20%/năm. Giả sử sau 5 năm, VAMC xử lý được số nợ đã mua và NH trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro thì khoản nợ xấu được triệt tiêu. NH có thể trả lại trái phiếu cho VAMC nhằm thu tài sản về để bán ra thị trường, trở thành khoản thu nhập bất thường.
Như thế, việc NH dồn sức bán nợ xấu cho VAMC chỉ là gửi tạm để làm đẹp sổ sách, có thêm thời gian xử lý tài sản, đồng thời “vắt óc” cân đối bài toán lợi nhuận vì mức trích lập dự phòng cho khoản nợ đã bán là khá cao.
Con nợ chây ì
Trưởng ban pháp chế của một NH cho biết cách đây 5 năm, một doanh nghiệp (DN) đã thế chấp đất, nhà ở, cổ phiếu, sắt thép... để vay NH gần 70 tỉ đồng. Đến nay, DN muốn bán số tài sản này với giá chỉ khoảng 50 tỉ đồng, trong khi số tiền cả vốn lẫn lãi mà DN phải trả cho NH là hơn 100 tỉ đồng.
Theo lãnh đạo của Sacombank, một số cá nhân thế chấp tài sản là nhà ở cũng không muốn bán nhà vì căn nhà đó đang cho người khác thuê. Điều này phần nào lý giải vì sao khách hàng không hợp tác với NH khiến việc xử lý nợ xấu kéo dài trong nhiều năm...
Mặt khác, trong quá trình NH khởi kiện lại phát sinh tình huống con nợ dùng tài sản thế chấp là nhà ở để cho thuê. Khi đó, tòa án phải triệu tập những người thuê nhà để giải quyết quyền lợi của bên thuê với bên cho thuê.
Một số con nợ ở TP HCM còn tung chiêu thay đổi hộ khẩu thường trú, buộc NH chạy theo điều chỉnh thông tin, thay đổi tòa án thụ lý hồ sơ khởi kiện. Đáng nói hơn, có cả trường hợp cố tình kéo dài vụ việc bằng cách phủ nhận chữ ký của mình trên hồ sơ vay vốn khiến tòa án phải yêu cầu công an giám định…
Theo NH Nhà nước, việc NH tự thân xử lý nợ xấu rất phức tạp. Thông thường, NH vận động DN, cá nhân bán tài sản hoặc tìm người mua rồi làm trung gian để hai bên mua - bán. Tuy nhiên, khi NH đưa phương án xử lý tài sản thì không ít con nợ từ chối, thậm chí còn dùng vũ lực đe dọa nhân viên NH. Từ đó, NH bỏ lơ nhóm khách hàng này.
Đối với khách hàng có thiện chí trả nợ, tài sản thế chấp có tính thanh khoản cao, NH thường mua lại để cấn trừ nợ (khách hàng dùng tài sản thế chấp thường là bất động sản chuyển giao cho NH để thay thế nghĩa vụ trả nợ). Tuy nhiên, giải pháp này không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió.
Đơn cử trường hợp một cá nhân đã bán căn nhà của mình cho NH Phương Nam để cấn trừ số nợ hơn 10 tỉ đồng. Thế nhưng, cá nhân đó lại không giao nhà khiến NH phải mất nhiều năm khởi kiện. Tuy thắng kiện song NH Phương Nam phải hỗ trợ cho người này hàng trăm triệu đồng mới thu hồi được tài sản.
“Bà đỡ” cũng vướng rào cản
Ngay VAMC - được xem là “bà đỡ” giúp các NH giải quyết nợ xấu - qua hơn 1 năm hoạt động chỉ mua từ các NH hơn 70.000 tỉ đồng nợ xấu và đã thu hồi được 1.462 tỉ đồng, con số hết sức khiêm tốn. Nguyên nhân chủ yếu do phần lớn tài sản thế chấp là bất động sản nhưng VAMC vẫn chưa thể đứng tên chủ quyền.
Thực tế, VAMC không trực tiếp mua đứt bất động sản mà ủy quyền cho các NH thương lượng, khởi kiện con nợ, rồi theo dõi tiến trình phát mãi bất động sản từ cơ quan thi hành án. Do giá bất động sản sụt giảm nên khi NH tái định giá đã tạo ra chênh lệch quá lớn khiến 2 bên khó đồng thuận về giá trị tài sản.
Trong khi đó, người dân lại không thông thạo phương thức mua tài sản thông qua đấu giá, e ngại mua bất động sản được chào bán theo phán quyết của tòa án, giá cả chưa hợp lý... Từ đó, nhiều tổ chức, cá nhân không mặn mà mua tài sản từ VAMC. Biểu hiện rõ nhất là thị trường từng ghi nhận cơ quan thi hành án thông báo đấu giá một tài sản đến lần thứ 17 nhưng vẫn chưa bán được.
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:
Tích cực thu hồi nợ
NH Nhà nước đã có nhiều phương án để xử lý nợ xấu bằng nguồn trích lập dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng, đồng thời tích cực thu hồi nợ, kiềm chế gia tăng nợ xấu khi cho vay trong thời gian tới. Trong điều hành, không chỉ xử lý nợ xấu phải bám sát kiểm soát hệ thống, an toàn vĩ mô mà còn rất nhiều “gánh nặng” NH Nhà nước phải xử lý chính sách như nông nghiệp, nông thôn, Nghị định 67 về hỗ trợ thủy sản, gói 30.000 tỉ đồng đang cần hỗ trợ từ tái cấp vốn của nhà nước.
T.Dũng ghi
Bình luận (0)