Tại hội thảo Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Triển vọng và rủi ro với doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu Việt Nam do Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ Hội nhập Quốc tế TP HCM tổ chức ngày 24-10, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần chủ động kiểm soát để không rơi vào "tầm ngắm" trả đũa của Mỹ.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành – Giám đốc Phát triển, Trường ĐH Fulbright Việt Nam - rủi ro lớn của Việt Nam trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là việc hàng Trung Quốc chuyển tải (transshipment) qua Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm tránh thuế trừng phạt. Hoạt động này có thể là nhập xuất đơn giản hay phức tạp hơn là có thể chế biến giả tạo thông qua DN nội địa hay DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.
"Vừa qua, thép Việt Nam nhưng có xuất xứ từ Trung Quốc là ví dụ khi Mỹ đánh thuế lên đến 450%. Khi cơ quan thương mại phát hiện gian lận, không chỉ một DN mà cả ngành đều bị ảnh hưởng. Không chỉ thuế cao mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam, khiến Mỹ có thể đưa Việt Nam vào tầm ngắm trả đũa thương mại.
Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nền kinh tế có thặng dư thương mại với Mỹ (32 tỉ USD theo tính toán Việt Nam và 38 tỉ USD theo tính toán của Mỹ), chỉ sau Trung Quốc, châu Âu (EU), Mexico và Nhật Bản. Trong đó, Trung Quốc, EU, Mexico đã bị Mỹ thực hiện chính sách áp thuế nhập khẩu, Nhật Bản đang chịu sức ép lớn từ Mỹ trong việc áp thuế nhập khẩu ôtô" – ông Thành thông tin.
Một ao tôm đạt chuẩn xuất khẩu tại Sóc Trăng
Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC, cho rằng Chính phủ Việt Nam cần chủ động tăng cường quản lý nguồn gốc xuất xứ một cách chặt chẽ, đừng để đến khi bị Mỹ kiểm tra, cảnh báo mới tìm các ứng phó. "Đối với DN, tôi đề nghị DN không vì lợi ích riêng mà thực hiện hay tiếp tay cho hàng Trung Quốc mượn đường Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ vì sẽ ảnh hưởng đến cả ngành và đất nước Việt Nam" – TS Trần Du lịch nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết trong 200 tỉ USD hàng Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế thêm 10% vào đợt 3 (cuối tháng 9 vừa qua), nhóm nông sản, thủy sản và lương thực thực phẩm chỉ chiếm 5,3 tỉ USD (tỉ lệ 2,7%). Đối với Việt Nam, khi thuế đợt 3 có hiệu lực, nông sản và thủy sản là nhóm hàng quan trọng chịu tác động tích cực bao gồm: thủy sản, hạt điều, mật ong, gạo, rau quả,… Đây là những mặt hàng Việt Nam cạnh tranh với Trung Quốc tại thị trường Mỹ và Việt Nam được hưởng lợi khi hàng Trung Quốc chịu thuế cao.
Bình luận (0)