xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Phải coi doanh nghiệp là “đối tác”!

PHƯƠNG NHUNG thực hiện

Đó là quan điểm của bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng Ban Môi trường kinh doanh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, khi đánh giá về mối quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với doanh nghiệp

Phóng viên: Qua tiếp xúc với doanh nghiệp (DN), chúng tôi nhận thấy họ rất bức xúc về thuế, hải quan nhưng lại ngại động chạm đến các cơ quan công quyền này. Theo bà, nguyên nhân ở đâu?

- Bà Nguyễn Minh Thảo:

img

Đúng là có rất nhiều DN sợ lên tiếng phản ánh với báo chí hoặc khởi kiện cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực thuế, hải quan bởi họ lo sau này sẽ bị “để ý”, làm khó trong các thủ tục giao dịch. Có bức xúc cũng chỉ dám chia sẻ hạn chế, không để các cơ quan mình trực tiếp làm việc về các thủ tục hành chính nắm được. Đấy là tâm lý chung.

Nguyên nhân có thể lý giải ở đây là do tư duy của cơ quan thuế, hải quan nói riêng và cơ quan công quyền nói chung thường cho rằng họ là người quản lý còn DN là đối tượng bị quản lý. Vì vậy, cán bộ có quyền và có thể bắt lỗi DN. Còn phía DN luôn trong tâm thế là đối tượng bị quản lý, bị kiểm tra, luôn mắc lỗi và bị bắt lỗi, dẫn đến tình trạng ngại va chạm với các cơ quan công quyền. Chưa kể không ít trường hợp từng bị cán bộ các cơ quan thuế, hải quan làm khó, buộc phải “bôi trơn”, đi “cửa sau” thì công việc mới trôi.

Cải thiện tình trạng này ra sao, thưa bà?

- Tồn tại này chỉ nằm ở một vài cá nhân thực thi công vụ nhưng rõ ràng gây trở ngại, làm giảm động lực phát triển của DN. Muốn thay đổi tình trạng này thì phải bắt đầu từ tư duy. Cán bộ thuế, hải quan phải xem DN là “đối tác” của cơ quan quản lý. DN tạo ra công ăn việc làm, có doanh thu, lợi nhuận và nộp thuế cho nhà nước. Phần thuế này dùng để nuôi bộ máy công quyền.

Như vậy, đáng ra cơ quan nhà nước phải trân trọng DN chứ không nhăm nhăm bắt lỗi để phạt. Cán bộ phải hợp tác, hướng dẫn DN để tạo điều kiện thuận lợi cho họ. Nếu không, họ sẽ luôn trong tâm thế ứng phó với cơ quan công quyền, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh.

Thực ra, các DN lớn luôn cố gắng tuân thủ pháp luật bởi hình ảnh, uy tín của họ quan trọng hơn tiền thuế rất nhiều. DN làm sai có thể vì chưa hiểu rõ quy định, khi đó cán bộ phải là người hướng dẫn, giúp đỡ họ để đôi bên cùng có lợi.

Nói là vậy nhưng rõ ràng thực hiện không dễ. Để thay đổi tư duy cho cán bộ công quyền, theo bà, cần phải bắt đầu tư đâu?

- Lý thuyết quản lý công hiện đại mà thế giới đang áp dụng thực hiện theo hướng cơ quan công quyền là người đi phục vụ các hoạt động công, cung cấp dịch vụ để phục vụ DN chứ không phải đứng trên DN để áp đặt, phán xét. Tiếc rằng cán bộ của chúng ta chưa nhận thức được điều đó.

Chúng ta không thể quy định trong luật là cán bộ phải có thái độ thế này, thế kia, phải tạo điều kiện cho DN thế nào. Bởi vậy, bản thân các cơ quan trực tiếp làm việc với DN cần có các quy định để chấn chỉnh tác phong, thái độ làm việc của nhân viên. Phải chủ động đào tạo, rèn luyện lại tác phong, thái độ làm việc của đội ngũ công chức theo lối phục vụ đối tác, khách hàng chứ không phải quản lý người ta.

Cần có giải pháp để cơ quan thuế thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp            Ảnh: THÙY DƯƠNG
Cần có giải pháp để cơ quan thuế thực sự là bạn đồng hành của doanh nghiệp Ảnh: THÙY DƯƠNG

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giao dịch thông qua phần mềm, mạng internet để hạn chế sự tiếp xúc của DN với cán bộ công quyền. Như vậy, DN đỡ tốn thời gian và cũng không có cơ hội để cán bộ công quyền gây khó dễ, phát sinh tiêu cực.

Nhưng cơ quan công quyền vẫn có trách nhiệm phải quản lý và đốc thúc DN tuân thủ nghiêm túc nghĩa vụ. Vậy nên làm thế nào cho hài hòa, nhất là sau vụ “bêu” tên nhầm các DN nợ thuế vừa qua?

- Với DN làm sai, không tuân thủ pháp luật thì chúng ta đã có chế tài rồi. Nhưng phải công bố thông tin một cách chính xác để DN tâm phục khẩu phục và buộc họ chấp hành nghĩa vụ của mình. Điều này đòi hỏi khâu hậu kiểm cực kỳ quan trọng.

Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ cũng đã đề cập vấn đề này, tức là cần đơn giản hóa thủ tục hành chính nhưng phải chú trọng vào khâu hậu kiểm. Theo tôi, nên kiểm tra, quản lý trên cơ sở rủi ro. DN nào thường xuyên có dấu hiệu vi phạm chắc chắn phải đưa vào tầm ngắm. Ngược lại, DN làm tốt thì không có cớ gì kiểm tra họ cả. Ở khâu hậu kiểm này, nếu phát hiện DN cố tình làm sai thì phải có chế tài xử phạt. Còn nếu họ vô tình hoặc không hiểu rõ quy định thì cần linh hoạt, có thể vẫn phải thực hiện chế tài nhưng trên cơ sở hướng dẫn, giúp đỡ họ.

Quay lại vụ bêu tên DN nợ thuế, tôi đồng ý việc công khai danh tính DN nợ thuế là cách để đốc thúc họ chấp hành luật pháp, tuy nhiên phải thận trọng. Cần kiểm tra chính xác thông tin trước khi công bố và phải thông báo trước cho DN về tình trạng nợ thuế để họ chủ động.

Nếu làm được điều đó thì DN sẽ có cơ hội phản hồi sớm, không bị nêu tên oan uổng gây ảnh hưởng đến tên tuổi. Còn DN nợ thuế thật sự cũng có thể sẽ thu xếp để thực hiện nghĩa vụ của mình nhằm tránh bị bêu tên. Như vậy, cơ quan nhà nước vừa có nguồn thu mà DN cũng không bị mất uy tín. Đấy là sự hợp tác thiện chí mà chúng ta nên có để vừa bảo đảm tuân thủ pháp luật vừa tạo điều kiện thuận lợi cho DN.

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh:

img

Cần siết kỷ cương ngành thuế

Ngành thuế đã lên tiếng cho rằng sai sót nêu tên nhầm các DN nợ thuế có thể do phần mềm hoặc do yếu tố con người. Cho dù là lý do nào thì cũng hết sức đáng báo động với cung cách làm việc của ngành này. Tổng cục Thuế cần siết chặt kỷ cương trong ngành, bảo đảm yếu tố chính xác lên hàng đầu, nếu không DN sẽ vô cùng bất an. Ngoài ra, các hiệp hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cần lên tiếng về mặt pháp lý để bảo vệ quyền lợi của DN, buộc ngành thuế phải có giải trình và tránh công bố thông tin sai sót như vụ nêu tên 600 DN nợ thuế hoặc gây tranh cãi như việc kết luận Sabeco trốn thuế.

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn:

img

Sẽ công bố danh sách hằng tháng

Sau vụ việc nêu tên nhầm một số DN nợ thuế, cơ quan thuế sẽ làm thận trọng và rút kinh nghiệm ở những lần sau. Bộ Tài chính cũng giao nhiệm vụ cho ngành thuế công bố định kỳ một cách đầy đủ từ quý IV năm nay. Theo đó, cục thuế sẽ công bố danh sách nợ thuế vào ngày 15 hoặc 16 hằng tháng. Trong đó có danh sách DN nợ thuế đến ngày thứ 61 và theo quy định là đến ngày này, cơ quan thuế phải đôn đốc, nhắc nhở, nghe phản ứng của DN về số nợ. Ngoài ra, sẽ có danh sách DN nợ đến 91 ngày, đã phản hồi nhưng vẫn chưa nộp thuế để các cục trưởng căn cứ vào đó thông báo phong tỏa tài khoản...

 

Đại diện Một DN đóng trên địa bàn Hà Nội:

Chỉ mong yên ổn làm ăn

Chúng tôi chỉ mong muốn cơ quan thuế đính chính thông tin sai lệch về khoản nợ thuế một cách công khai để không làm ảnh hưởng đến các hợp đồng giao dịch. Tổng cục Thuế đã lên tiếng nhận lỗi và công bố danh sách công khai trên trang web cũng như thông tin cho báo chí rồi. Vì vậy, chúng tôi không muốn “xới” lại sự việc nữa để yên tâm làm ăn.

Chúng tôi chỉ mong cơ quan thuế cần cẩn trọng hơn trong việc công bố thông tin để tránh lặp lại sự việc và gây ảnh hưởng đến nhiều DN. Thực tế là ngay sau khi chúng tôi bị rơi vào danh sách nợ thuế, nhiều khách hàng đã đến tận nơi hỏi tình hình ra sao. Chúng tôi phải giải thích và cũng có phản hồi trở lại của ngành thuế nên khách hàng yên tâm phần nào.

 

img
Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo