Câu chuyện bắt đầu từ mối lương duyên không thành giữa PhinDeli và Kinh Đô mà theo Phạm Đình Nguyên, đó là một mối tình biết trước đoạn kết, dù vậy chia tay vẫn khiến cả hai cảm thấy “hạnh phúc”. Trước đó, Kinh Đô công bố ký biên bản ghi nhớ hợp tác mua lại trên 50% cổ phần của PhinDeli và nắm quyền chi phối. Trong bản ghi nhớ này, anh Nguyên kỳ vọng các sản phẩm cà phê của PhinDeli sẽ theo hệ thống phân phối của Kinh Đô tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, sau khi “sống thử” chỉ 3 tháng, hai bên nhận ra “không hợp nhau”. Quyết định chấm dứt sớm là điều cần thiết bởi càng dây dưa, càng níu kéo sẽ làm cho cả hai mất đi cơ hội.
Sau khi kết thúc với Kinh Đô, người đàn ông từng bỏ ra 1 triệu USD mua một thị trấn của Mỹ có lúc toát mồ hôi khi nghĩ đến việc tìm lối ra cho sản phẩm của PhinDeli bởi Tết đã cận kề. Cuối cùng, một trong những đối tác mà PhinDeli nhắm đến từ trước, một đơn vị có nhiều tiềm lực về phân phối không chỉ trong nước mà cả khu vực châu Á là DKSH (Thụy Sĩ) đã đồng ý hợp tác với công ty. “Hiện tại, chúng tôi chỉ hợp tác trong phân phối nhưng kỳ vọng mối duyên này sẽ sâu và rộng hơn. Hy vọng các sản phẩm của PhinDeli sẽ có mặt ở các nước trong khu vực” - anh Nguyên tiết lộ.
Tương lai cho PhinDeli, trước mắt sẽ là một chuỗi quán cà phê mang đậm bản sắc Việt Nam. “Không cần có diện tích lớn, không cần cầu kỳ nhưng nơi đó chắc chắn sẽ ấm cúng, thiết kế có hồn và mang đậm bản sắc của người Việt. Đặc biệt là làm sao phản ánh được hương vị thương hiệu cà phê Việt mang tầm quốc tế” - Nguyên nói.
Sau 2 năm mua thị trấn Buford, rồi đổi tên thành PhinDeli, Phạm Đình Nguyên chỉ mới trả hết 50% số nợ đã vay mượn của người thân, bạn bè. Thế nhưng, nếu thời gian quay lại, anh vẫn quyết định mua thị trấn này bởi nhờ PhinDeli mà cả thế giới biết đến cà phê PhinDeli chỉ trong thời gian ngắn.
“Không phải sự táo bạo nào cũng mang lại kết quả nhưng nếu không, bạn mãi mãi không biết mình làm được gì. Mua thị trấn Mỹ Buford là sự táo bạo rất cần như thế” - Phạm Đình Nguyên chia sẻ. Với quyết định mạo hiểm có tính toán này, anh đã nếm trải bao cung bậc cảm xúc từ vui sướng, hạnh phúc đến lo lắng, áp lực, buồn phiền... Nhưng điều đọng lại cuối cùng là một cảm giác thú vị. “Khi vượt qua mọi thách thức, mình bước ra với một hình ảnh của ngày hôm nay khác với ngày hôm qua là điều bản thân mình cảm nhận được sự thú vị của nó đến vô cùng. Những trải nghiệm này cần thiết cho mọi chúng ta, đặc biệt là giới trẻ” - anh bộc bạch.
Hiện anh thường xuyên tham gia các buổi nói chuyện, giao lưu, trao đổi ở các đội, nhóm và các trường đại học. Trong đó, với vai trò là người hỗ trợ cho chương trình Kết nối và Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, anh và các thành viên tham gia đã giúp đỡ các bạn trẻ khởi nghiệp, trình bày ý tưởng, chọn ra những dự án có tiềm năng sau đó hướng dẫn, hỗ trợ họ đến khi thành công. Ngoài ra, anh cũng được UNESCO mời tham gia chương trình “Cam kết Việt Nam” hướng đến đối tượng người dân, đặc biệt là giới trẻ, nhằm cải thiện hình ảnh Việt Nam trong mắt người nước ngoài.
Sinh ra và lớn lên sau ngày đất nước thống nhất, anh Phạm Đình Nguyên là một trong những người trẻ thành công, có hoài bão, dám ước mơ và kiên trì thực hiện đến cùng. Chia sẻ với thế hệ trẻ hiện nay, anh tỏ ra trăn trở khi bên cạnh sự năng động, nhạy bén, suy nghĩ độc lập thì không ít bạn trẻ còn e dè, chưa dám bước ra vùng an toàn của mình, chưa cháy hết mình cho những ước mơ mà chỉ thích làm giàu dễ dàng.
Bình luận (0)