Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Chính phủ ban hành đã quy định mức phạt khá cao đối với các tổ chức, cá nhân chậm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở (sổ đỏ).
Mức phạt cao nhất: 2 tỉ đồng
Cụ thể, tổ chức được nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán, nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp sổ đỏ mà chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình từ 3-6 tháng sẽ bị phạt từ 10-30 triệu đồng; chậm làm thủ tục cho từ 30-100 hộ sẽ bị phạt từ 30-50 triệu đồng; từ 100 hộ trở lên, bị phạt từ 50-100 triệu đồng.
Nếu chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình trên 6-9 tháng thì phạt tiền từ trên 30-50 triệu đồng; từ 30 đến dưới 100 hộ, bị phạt từ trên 50-100 triệu đồng; từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên, bị phạt từ trên 100-300 triệu đồng. Chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình từ trên 9-12 tháng sẽ bị phạt 50-100 triệu đồng; dưới 100 hộ, bị phạt từ trên 100-300 triệu đồng; từ 100 hộ trở lên, bị phạt trên 300-500 triệu đồng.
Còn chậm làm thủ tục từ 12 tháng trở lên thì mức phạt như sau: phạt từ trên 100-300 triệu đồng trong trường hợp dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; 300-500 triệu đồng trường hợp từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; phạt từ trên 500 triệu đến 1 tỉ đồng đối với từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.
Nghị định cũng nêu rõ cùng một hành vi vi phạm hành chính, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Quá nặng với doanh nghiệp
TS Phạm Sĩ Liêm, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng, cho rằng cần xem xét mức phạt cao nhất 1 tỉ đồng đối với cá nhân bởi phạt 1 tỉ đồng là phạt về hành vi kinh tế rồi chứ không phải hành chính. Hơn nữa, xử phạt thì cơ quan nào xử, cơ quan nào kiểm tra cũng phải làm rõ.
Việc chỉ ban hành quy định về xử phạt hành vi chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ đối với chủ đầu tư là chưa công bằng và chưa thực sự đúng địa chỉ. Theo ông Liêm, chủ đầu tư cũng muốn cấp sổ đỏ cho nhanh, chỉ vài trường hợp cá biệt cố tình trì hoãn. Nhiều khi chủ đầu tư bị “hành” bởi quá nhiều thủ tục, chưa kể tiến độ cấp sổ đỏ còn tùy thuộc vào các cơ quan công quyền trực tiếp thực hiện cấp sổ đỏ, rồi còn hành vi vòi vĩnh phí “bôi trơn” mà báo chí đã nhắc đến.
“Bởi vậy, nghị định chưa thực sự giúp người dân nhanh chóng có sổ đỏ, bớt phiền nhiễu trong các thủ tục” - TS Liêm nhận xét. Do vậy, TS Liêm đề nghị cần xác định rõ thế nào là chậm làm thủ tục cấp sổ đỏ, quy định thời gian bao lâu được coi là chậm, có phải giao nhà cùng lúc với giao sổ đỏ. Nếu không có hướng dẫn cụ thể thì doanh nghiệp (DN) có thể “lách” bằng cách chậm giao nhà mặc dù đã hoàn thành. Như vậy, người dân sẽ chịu thiệt.
Về nghị định trên, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, lo lắng: “Mức phạt 1 tỉ đồng là nặng quá cho DN. Trong bối cảnh thị trường như hiện nay, nhiều DN cũng không có khả năng nộp phạt”.
Theo ông Đực, DN nào cũng muốn làm sổ đỏ cho nhanh để được lấy 5% tiền nhà còn lại trong hợp đồng. Nhưng cũng có những dự án chậm cấp sổ đỏ do vướng mắc nhỏ. Ví dụ như tòa nhà 17 tầng nhưng 16 tầng xây dựng đúng quy định, chỉ có 1 tầng sai sót.
“Thủ tục rườm rà chính là nguyên nhân gây chậm cấp sổ đỏ, vì vậy nên tập trung vào một đầu mối cấp sổ đỏ như UBND cấp quận thay vì gửi hồ sơ lên sở tài nguyên và môi trường địa phương rồi sở lại chuyển về quận giải quyết” - ông Đực nói thêm.
Luật sư Nguyễn Kiều Hưng (Hãng luật Giải phóng):
Chưa thể hạn chế tiêu cực trong cấp sổ đỏ
Theo quy định tại điều 26 của nghị định này, đối tượng bị xử phạt là tổ chức được nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở chứ không phải cơ quan hành chính nhà nước có trách nhiệm cấp sổ đỏ cho dân. Vì vậy, quy định này chưa giải quyết được tình trạng chậm cấp sổ đỏ cho người dân hay hạn chế nạn tiêu cực trong lĩnh vực này.
Cụ thể, cơ quan cấp sổ mới là người có quyền quyết định tiến trình cấp sổ nhanh hay chậm. Quy trình thì có rồi, vấn đề còn lại là trách nhiệm của họ được thực hiện tới đâu. Lý do phổ biến để làm chậm việc cấp sổ cho dân là do bị vướng cái này, cái kia hay đang chờ bổ túc hồ sơ. Hệ thống pháp luật về đất đai thì chưa hoàn thiện và khá phức tạp nên có cả ngàn lý do để làm chậm quá trình cấp sổ đỏ. Do đó, nếu DN đầu tư dự án có làm tốt đến đâu chăng nữa thì cũng không phải là người có quyền quyết định việc cấp sổ nhanh hay chậm. Điều này dẫn đến trên thực tế, cơ sở pháp lý để xử phạt những tổ chức này sẽ gặp những khó khăn nhất định.
Bình luận (0)