Đây là sự kiện phối hợp tổ chức bởi của Ban Kinh tế trung ương (cơ quan thường trực tổ chức Cuộc vận động), Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đảng ủy Khối Doanh nghiệp (DN) trung ương; Văn phòng Chính phủ; Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Cuộc vận động có mục đích khơi dậy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và huy động trí tuệ của cộng đồng DN, doanh nhân đối với đất nước, góp phần triển khai thực hiện thành công các chủ trương của Đảng, nhất là các nghị quyết của Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả của DN nhà nước.
Lễ phát động Cuộc vận động “Doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế” ngày 3-9 Ảnh: THẾ DŨNG
Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động, khẳng định tư tưởng của Đảng luôn xác định và thực hiện quan điểm nhất quán phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, đồng thời đã ban hành nhiều đường lối, chủ trương quan trọng về đổi mới và phát triển kinh tế đem lại thành tựu to lớn... Gần đây nhất, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành 3 Nghị quyết về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 11-NQ/TW); tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước (Nghị quyết số 12-NQ/TW); phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Nghị quyết số 10-NQ/TW). Đây là những vấn đề then chốt và mang tính nền tảng đối với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. Ba Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII của Đảng là các chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn và được các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đặc biệt là cộng đồng DN, doanh nhân trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo Trưởng Ban Kinh tế trung ương, trên thực tế DN, doanh nhân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong hoạt động và nền kinh tế nước ta chưa phát triển nhanh và bền vững, trong đó có nguyên nhân quan trọng là thể chế, cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập… Do đó, Cuộc vận động nhằm khẳng định sự coi trọng của Đảng và nhà nước đối với vai trò, vị trí của DN, doanh nhân trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước nhằm phát huy trí tuệ, dân chủ, lòng tự hào, tự tôn dân tộc và tinh thần trách nhiệm, tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo của cộng đồng DN, doanh nhân trong việc hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế; nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước; thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII và góp phần đưa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước vào cuộc sống… “Cuộc vận động này hết sức có ý nghĩa khi được tổ chức trong bối cảnh cả nước ta đang tiến hành kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh với DN, doanh nhân được đề ra 74 năm trước” - Trưởng Ban Kinh tế trung ương nhấn mạnh.
Bình luận sau lễ phát động Cuộc vận động, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh đánh giá rất cao sự cầu thị của Đảng, nhà nước, các cơ quan hữu quan. Bởi, việc này càng cần thiết hơn khi môi trường kinh doanh hiện đã xuất hiện nhiều yếu tố mới như thương mại điện tử, ngân hàng điện tử, lao động xuyên biên giới, nhiều hiệp định thương mại quan trọng được ký kết… Do vậy, chính sách cần có sự bổ sung, cập nhật theo hướng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh.
Ngoài ra theo TS Doanh, có tình trạng DN phản ánh họ đã góp ý chính sách nhiều lần nhưng có vẻ như không được tiếp thu, không được sửa đổi cụ thể trong các điều khoản ở từng luật, nghị định, thông tư… nên họ nản, không muốn góp ý nữa. Vì vậy, nhà nước cần nghiêm túc nhìn lại, rút kinh nghiệm về vấn đề này. Song, về phía DN, cũng cần tìm cho mình phương thức góp ý hiệu quả hơn. Chẳng hạn, thay vì từng DN góp ý các vấn đề lẻ tẻ thì có thể tập hợp ý kiến theo từng hiệp hội hoặc đưa kiến nghị đến cơ quan đầu mối là VCCI. Việc này cũng giúp cho tiếng nói có sức nặng hơn, nói được nhiều hơn những vấn đề tế nhị mà nhiều DN không dám nói thẳng.
“Về điểm nghẽn thể chế hiện nay, tôi thấy vấn đề tồn tại lớn nhất là thiếu công khai, minh bạch, dẫn đến có tình trạng quan chức lợi dụng kiếm lợi riêng. Cần có quy định đề cao trách nhiệm giải trình của cá nhân, không thể trốn tránh trách nhiệm. Trị được điểm nghẽn này mới có cơ chế thông thoáng cho DN” - chuyên gia này góp ý.
Ông Đỗ Hà Nam - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group:
Phá điểm nghẽn trong thực thi
Vấn đề tồn tại lâu nay là cơ chế có nhiều nhưng việc thực thi chưa đồng bộ, trơn tru từ trên xuống dưới; gần đây đã có chuyển biến nhưng chưa nhiều. Duy nhất điều DN cần là nhà nước cho cơ chế để hoạt động và cơ chế đó phải được vận hành nhịp nhàng, đồng bộ để tạo thuận lợi cho DN; nếu bộ phận, cơ quan nào gây tắc nghẽn, khó khăn thì phải xử lý nghiêm minh.
Gần đây, Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định thế hệ mới, tạo cơ hội tốt cho DN tham gia vào các thị trường lớn trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng và hai chiều. Mặc dù vậy, Việt Nam đi lên từ nước đang phát triển nên có khoảng cách rất xa đối với các nước phát triển, đặc biệt là về các tiêu chuẩn quản lý chất lượng, uy tín thương hiệu, an toàn thực phẩm... Nếu các đối tác sử dụng công cụ rào cản hạn chế nhập khẩu thì hàng Việt Nam có nguy cơ không đủ điều kiện xuất khẩu, từ đó chiều nhập khẩu sẽ lớn hơn chiều xuất khẩu. Vì vậy, để tận dụng cơ hội và biến cơ hội thành lợi thế, DN rất cần chính quyền cùng vào cuộc, đồng hành hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh.
Ông Lý Trường Chiến, Chủ tịch TriTri Group:
Cần thay đổi cơ chế lắng nghe, tiếp nhận
Nhà nước cởi mở lắng nghe vì mục tiêu chung phát triển kinh tế nước nhà, giúp dân giàu nước mạnh là rất tích cực. Tuy nhiên, cần thay đổi cách lắng nghe, tiếp nhận vì lâu nay đã lắng nghe, tiếp nhận khá nhiều nhưng khâu thực thi còn quá hạn chế nên chưa tạo được động lực, sự tín nhiệm đối với DN. Thực thi càng cởi mở, công khai càng gần nhóm đối tượng mục tiêu và hiệp hội chuyên môn chuyên ngành sẽ thấy được các ưu - nhược điểm của từng nhóm, từ đó cụ thể hóa vào chính sách.
Ngoài ra, rất cần sự đồng bộ của các chính sách, bằng không sẽ rơi vào tình huống chỗ rất thoáng, chỗ rất hẹp khiến năng suất của nền kinh tế không được giải phóng. Việc thực thi của các cơ quan hữu quan, cơ quan công quyền cần thực sự nghiêm túc, cầu thị để phục vụ mục tiêu chung mới mong có cải thiện chứ nếu chỉ là ghi nhận hiến kế, góp ý của DN xong "đường ai nấy đi, việc ai nấy làm" sẽ không tạo ra được giá trị. Đặc biệt, trong kỷ nguyên số hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước cần có tầm nhìn, cán bộ phải có kiến thức để theo kịp sự phát triển của kinh tế - xã hội và sự phát triển chóng mặt của công nghệ từ đó dẫn dắt DN khai thác tốt những cơ hội trong hiện tại, sẵn sàng cho tương lai.
T.Nhân ghi
Bình luận (0)