Chiều 9-6, Sở Công Thương TP HCM tổ chức họp báo cung cấp thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại và các hoạt động nổi bật của ngành công thương 5 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, đặc biệt là công tác bình ổn thị trường trong bối cảnh giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu đầu vào tăng và giá xăng dầu tăng cao.
Theo Sở Công Thương, trong tháng 5, doanh thu bán lẻ hàng hóa của TP HCM ước đạt 57.757 tỉ đồng, tăng 3,08% so với tháng trước và tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng, đạt 275.967 tỉ đồng, tăng 8,1% so cùng kỳ.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5 tiếp đà tăng trưởng khá 6,5% so với tháng trước và tăng 9% so với tháng 5-2021. Lũy kế 5 tháng năm 2022, IIP ước tăng 2,6% so với cùng kỳ trong đó 4 nhóm ngành công nghiệp trọng điểm ước tăng 5,6% so với cùng kỳ. Nhìn chung, sản xuất công nghiệp được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp (DN) sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản thông suốt. Số lượng đơn đặt hàng mới tăng và điều kiện kinh doanh ổn định đã góp phần làm tăng sản lượng sản xuất trong nước.
Hoạt động xuất nhập khẩu cũng khởi sắc dù còn đối mặt với nhiều khó khăn do chi phí vận chuyển tăng cao, ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine…
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng việc nhiều lĩnh vực bật tăng trở lại sau 2 năm khó khăn vì dịch Covid-19 đã cho thấy sự phục hồi trong các hoạt động kinh tế của thành phố, những gói hỗ trợ của Chính phủ đã có tác động nhất định đến hoạt động của DN.
Sở Công Thương TP HCM khẳng định nguồn cung trứng gia cầm cho thị trường thành phố vẫn bảo đảm. Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, TP HCM cũng như cả nước đang đứng trước sức ép rất lớn do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí đầu vào gia tăng và lạm phát ở các khu vực. "Giá đầu vào biến động tác động lớn đến mọi mặt sản xuất. Trước khó khăn như vậy, các DN, đặc biệt là DN bình ổn thị trường, đang rất nỗ lực giảm chi phí đầu vào, tìm nhiều cách để giảm giá thành và giữ giá bán" - ông Vũ thông tin.
Giám đốc Sở Công Thương phân tích sức mua hiện nay của người dân và DN chưa mạnh như trước dịch, việc tăng giá có khả năng tác động ngược kéo sức mua giảm thêm. "Những tháng đầu năm 2022, hàng hóa dồi dào nhưng sức mua còn yếu, tiêu thụ hàng hóa của người dân vẫn chủ yếu tập trung vào hàng hóa thiết yếu, xu hướng tăng giá của nhiều loại hàng hóa và lạm phát kỳ vọng có thể khiến người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu" - ông Vũ cho hay.
Về công tác bình ổn thị trường thời gian tới, Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung - cầu, giá cả thị trường, tổ chức kết nối DN phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương đồng thời triển khai các chương trình "Khuyến mại tập trung" nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất - kinh doanh.
Với mặt hàng trứng gia cầm tăng giá liên tục thời gian gần đây, ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định nguồn cung trứng gia cầm cho thị trường TP HCM vẫn bảo đảm. Diễn biến giá trứng gia cầm trên thị trường tăng cao trong thời gian qua là do ảnh hưởng bởi giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trên thế giới tăng, chi phí vận chuyển, logistics… cũng tăng mạnh do tác động của sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột Nga - Ukraine. "Mặc dù vậy, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn thị trường của TP HCM vẫn được giữ ổn định từ ngày 2-4 đến nay, góp phần kìm giá trứng ở thị trường bên ngoài không tăng quá "sốc" vì các DN bình ổn vẫn đang cung cấp số lượng lớn và dẫn dắt thị trường này" - ông Phương nói.
Tuy nhiên, ông Phương cho rằng với tình hình hiện tại, các DN sản xuất, chăn nuôi phải tính toán tái đàn trên cơ sở dự báo tình hình và giá mua vào/bán ra của các DN bình ổn thị trường. Với giá chi phí đầu vào tăng liên tục như vậy mà đầu ra không tăng thì chỉ những DN quản lý chi phí sản xuất tốt, thấp mới có thể mạnh dạn tái đầu tư, tái đàn. Nếu nhiều DN không tái đầu tư thì khả năng nguồn cung sẽ sụt giảm, khi đó giá trứng bắt buộc tăng theo đúng quy luật thị trường. "Sở Công Thương đã có theo dõi, tính toán và sẽ cùng Sở Tài chính cùng các sở, ngành liên quan tham mưu cho lãnh đạo thành phố có giải pháp điều chỉnh giá phù hợp sao cho các nhà sản xuất yên tâm tái đầu tư nhưng vẫn phù hợp với sức chịu đựng của người tiêu dùng" - ông Phương chia sẻ.
Trước đó, các DN bình ổn thị trường đã có văn bản đề nghị Sở Tài chính cho phép điều chỉnh tăng giá trứng gà, vịt thêm 2.000 đồng/chục (lên mức 31.500 đồng/chục trứng gà và 37.000 đồng/chục trứng vịt) do các chi phí đầu vào tăng mạnh, giá trứng trong chương trình bình ổn thị trường chênh lệch lớn so với mặt hàng tương tự bên ngoài chương trình (giá thị trường trứng gà 34.000-35.000 đồng/chục, trứng vịt 38.000-40.000 đồng/chục). Mức tăng 2.000 đồng/chục trứng gà, vịt trong chương trình bình ổn thị trường sẽ giúp DN giảm lỗ để tiếp tục cầm cự.
Sắp diễn ra chương trình "Khuyến mại tập trung"
Cũng tại buổi họp báo, Sở Công Thương cũng thông tin về chương trình "Khuyến mại tập trung - Shopping Season 2022" đợt 1-2022 sẽ diễn ra từ ngày 15-6 đến 15-7 với nhiều điểm mới so với các năm trước.
Theo Sở Công Thương, chương trình lần này, ngoài hệ thống phân phối lớn còn có sự tham gia của các DN thương mại điện tử và các DN sản xuất. Trong đó, một số DN lĩnh vực điện tử, thời trang, thực phẩm... đã đăng ký chương trình khuyến mại lớn với tổng giá trị hàng hóa khuyến mại từ vài tỉ đồng đến vài chục tỉ đồng. Ban tổ chức kỳ vọng sẽ thu hút được khoảng 4.000 DN trên địa bàn thành phố tham gia.
Bình luận (0)