Sáng 18-11, tại Hội thảo "Phát triển ĐBSCL, giải pháp từ cây lúa" do Báo Thanh Niên phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đặt vấn đề hiện nay có nhiều người cho rằng ĐBSCL không nên trồng lúa nữa, vì ngành hàng lúa gạo mang lại giá trị thấp và người nông dân trồng lúa là người ở tầng thấp trong mức độ thu nhập. Đeo đẳng câu chuyện đó, thành ra mỗi năm có hàng triệu người ở ĐBSCL phải đi Đồng Nai, Bình Dương.
"Tôi nghĩ rằng ý kiến đó cũng có phần đúng và chúng ta cần tiếp cận khác. Chúng ta phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đó chính là chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn. Rất nhiều năm chúng ta chạy theo sản lượng, tập trung nhiều giải pháp để tăng sản lượng. Tuy nhiên, tăng sản lượng không đồng nghĩa với tăng thu nhập" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan
Trao đổi tại hội thảo, GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng ngành sản xuất nông nghiệp tại ĐBSCL chưa được nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng đúng mức; nông dân thì sản xuất tự phát, mạnh ai nấy làm. Từ đó dẫn đến kết quả không đồng nhất, nông dân chưa thoát cảnh lợi tức thấp như trong hơn 45 năm qua. Từ đó, GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất quy hoạch ĐBSCL sản xuất lúa với 3 vùng nông nghiệp chính.
GS-TS Võ Tòng Xuân đề xuất quy hoạch sản xuất lúa vùng ĐBSCL với 3 vùng nông nghiệp chính.
Theo đó, vùng thượng nguồn trồng lúa ngắn ngày năng suất cao, sản xuất nhiều vụ trong năm, vì đây là vùng không thiếu nước ngọt và nước mặn thì không thể đến. Vùng giữa đồng bằng là vùng trũng nhất, ngập sâu trong mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng, nước mặn có thể xâm nhập; hiện tại đang sản xuất lúa 3 vụ/năm trong các vùng đê bao ngăn lũ và có đầy đủ hệ thống thủy lợi; hướng tới sẽ giảm diện tích lúa.
Còn vùng ven biển có thể trồng lúa chất lượng cao xen nuôi tôm càng xanh trong mùa mưa và nuôi thủy sản nước lợ/mặn trong mùa nắng. Nhà nước nên đầu tư xây dựng các hệ thống thủy lợi lấy nước mặn vào và đưa nước thải ra khu xử lý để tạo điều kiện cho nông dân sử dụng hiệu quả nước mặn trong mùa nắng.
Quang cảnh hội thảo
Trong khi đó, tiến sĩ Đặng Kiều Nhân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng muốn phát triển các mặt hàng cây - con trên nền lúa, tăng thu nhập cho nông dân vùng ĐBSCL thì cần quan tâm mối quan hệ giữa tổ chức sản xuất dịch vụ, vấn đề thị trường và thu nhập của nông dân.
"Muốn giải quyết vấn đề này, theo tôi là phải giải quyết vấn đề kết cấu hạ tầng, thủy lợi, giao thông nội đồng và cơ giới hóa cho tốt. Cùng với đó là nâng cao năng lực của nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ để vận hành chuỗi giá trị lúa gạo và các loại cây - con trong hệ thống luân canh, xen canh hiệu quả".
Còn tiến sĩ Trần Hữu Hiệp cho rằng phát triển cây lúa cần phải gắn nông dân trong chuỗi giá trị. "Phát triển của ĐBSCL từ cây lúa không có nghĩa chỉ có cây lúa, mà nó phải kết hợp với các loại cây - con khác. Cây lúa không thể đi một mình giữa những thách thức như hiện nay. Và muốn nâng cao thu nhập cho nông dân không thể tách rời nông dân thành một chuỗi độc lập, mà phải gắn nông dân vào chiến lược chung, vào chuỗi giá trị lúa gạo" – tiến sĩ Trần Hữu Hiệp khẳng định.
Ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ, trình bày tham luận tại hội thảo
Nói về nguồn vốn vay ưu đãi cho nhà nông, ông Nguyễn Thanh Xuân, Phó Trưởng Văn phòng đại diện Agribank khu vực Tây Nam bộ, cho biết tính đến tháng 10-2022, tổng dư nợ của Agribank đạt 1.415.710 tỉ đồng. Trong đó, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 907.940 tỉ đồng, chiếm hơn 64% tổng dư nợ. Riêng tại khu vực ĐBSCL, tổng dư nợ là 215.943 tỉ đồng, trong đó dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn là 179.408 tỉ đồng, chiếm 83% tổng dư nợ cho vay.
Với lợi thế mạng lưới rộng lớn tại khu vực ĐBSCL với 17 chi nhánh loại I, 145 chi nhánh loại II và 145 phòng giao dịch cùng hơn 5.200 cán bộ, Agribank luôn đồng hành cùng với người nông dân trên những chặng đường mới của nền nông nghiệp nói riêng và kinh tế đất nước nói chung, không ngừng cung cấp những sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích, hiện đại, góp phần đưa quy mô tín dụng có mức tăng trưởng khá tốt và ổn định trong 10 năm qua.
Bình luận (0)