Đó là thông tin tại diễn đàn ĐBSCL: Các vấn đề có liên quan đến chiến lược lồng ghép cho phát triển bền vững được tổ chức ngày 2-2 tại TP HCM. Diễn đàn có sự tham dự của đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Đại sứ Úc...
Diễn đàn thảo luận các vấn đề liên quan đến chiến lược lồng ghép phát triển khả năng chịu đựng của ĐBSCL; thông qua các nghiên cứu điển hình để chỉ rõ những mặt được, mất và cần làm gì để đưa ra quyết định lồng ghép lâu dài thông qua hợp tác đa ngành; thảo luận về vai trò của hệ thống thông tin và các cơ quan nghiên cứu; thảo luận về cách tổ chức hệ thống nhằm phát triển bền vững; đóng góp thông tin cho các dự án, chương trình đang nằm trong kế hoạch của Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, lĩnh vực nông nghiệp ở ĐBSCL có vị trí đặc biệt. Chỉ với 20% dân số, 13% diện tích nhưng đóng góp hơn 50% sản lượng lúa, 70% trái cây, 90% lượng gạo xuất khẩu và 70% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Tuy vậy, nông nghiệp vùng này cũng đang đứng trước nhiều khó khăn thử thách do biến đổi khí hậu, nước biển dâng đang đe dọa nghiêm trọng sự phát triển ổn định. Nhiều vùng ven biển đang bị sạt lở nghiêm trọng, hằng năm lấy đi trên 1.000 ha diện tích đất...
Tại ĐBSCL, nhiều tiềm năng lớn chưa được khai thác, nhất là về thủy sản. Đơn cử như hiện mới sử dụng khoảng 6.000 ha diện tích nhưng đã nuôi được 1-1,2 triệu tấn cá tra xuất khẩu, thu được 1,6-1,8 tỉ USD/năm. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp chưa cao, kém bền vững, đa phần lúa gạo, trái cây chất lượng thấp, giá trị thấp.
Để phát triển bền vững phải khắc phục những thách thức và tồn tại, cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong mối quan hệ chặt chẽ đa ngành. Chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế hướng tới chất lượng cao, giá trị gia tăng cao và bền vững trên cơ sở tiếp tục phát huy cao hơn lợi thế về sản xuất lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Để hỗ trợ nông dân và các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, trong 10 năm tới, nhà nước với sự giúp đỡ của các nhà tài trợ cần sự tập trung thực hiện các giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển thủy lợi, giao thông, hệ thống điện ở các vùng nuôi tôm, cá tra; khép kín hoàn thiện hệ thống thủy lợi các vùng trồng lúa; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học - công nghệ.
Bình luận (0)