Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An, hội thảo diễn ra trong bối cảnh Bộ Công Thương đã hoàn thành 5 chương đầu tiên (dự kiến có tổng cộng 14 chương-PV) của Quy hoạch tổng thể về năng lượng quốc gia. 5 chương này tập trung vào hiện trạng năng lượng quốc gia; tình hình thực hiện quy hoạch các phân ngành năng lượng; tình hình và dự báo phát triển kinh tế - xã hội; hiện trạng sử dụng năng lượng và tiết kiệm năng lượng; tiềm năng khả năng khai thác, cung cấp và định hướng phát triển sản xuất các phân ngành năng lượng. Chính vì vậy, Bộ Công Thương mong muốn tham vấn ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học để có những đánh giá toàn diện nhất ngành năng lượng, bổ sung việc lập quy hoạch tổng thể. Từ đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng quy hoạch để trình Chính phủ ngay trong quý IV/2020.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho biết sau khi lựa chọn đơn vị tư vấn lập quy hoạch, Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị bám sát Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững quốc phòng an ninh. "Quy hoạch tổng thể về năng lượng được đặt ra với yêu cầu mới trong việc giải quyết những vấn đề phát triển hài hòa các phân ngành năng lượng trong nền kinh tế, đưa ra một quy hoạch động và mở hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước trong ngành năng lượng" - Thứ trưởng Đặng Hoàng An cho hay.
Báo cáo của Viện Năng lượng về hiện trạng năng lượng cho thấy nhiệt điện than vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất với 36,2% vào năm 2019. Con số này của thủy điện là 30,3%. Năng lượng tái tạo dù đã có những bước nhảy vọt nhờ chính sách ưu đãi nhưng khi xây dựng quy hoạch các kịch bản phải chủ động để thích ứng với sự thay đổi về công nghệ, giá thành, có như vậy mới khai thác hết được tiềm năng của lĩnh vực này.
Ông Nguyễn Anh Đức, đại diện Viện Dầu khí, bày tỏ sự lo lắng đối với ngành dầu khí khi một số mỏ dầu đang bước sang giai đoạn suy giảm sản lượng, nhiều mỏ có động thái khai thác phức tạp, một vài yếu tố kỹ thuật khác cũng tác động đến việc khai thác. Bên cạnh đó, một số dự án chế biến dầu khí quy hoạch đơn lẻ, quy mô nhỏ, khả năng cạnh tranh toàn cầu thấp. Sản xuất khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG) mới đạt gần 50%; lĩnh vực chế biến, tồn trữ và phân phối hiện mới chỉ đáp ứng nhu cầu sản phẩm hóa dầu gần 25%. Các quy hoạch năng lượng vẫn còn một số tồn tại như thiếu đồng bộ, thiếu tính toàn diện, cũng như chưa tương thích với pháp luật quốc tế.
Từ những tồn tại đó, ông Nguyễn Anh Đức kiến nghị quy hoạch năng lượng mới phải bám sát quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 55 Bộ Chính trị, tính phân ngành trong năng lượng phải được thể hiện rõ. "Cần hoàn thiện hành lang pháp lý phân ngành dầu khí để tháo gỡ chồng chéo trong các văn bản pháp luật, trình tự, thủ tục đầu tư rõ ràng hơn và xây dựng các cơ chế chính sách đặc thù thu hút đầu tư vào vùng nước sâu, xa bờ" - ông Đức nêu.
Bà Ngô Thúy Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương), góp ý quy hoạch tổng thể về năng lượng phải bảo đảm tích hợp một cách đồng bộ, đầy đủ và phù hợp trên cơ sở kế thừa các nội dung có liên quan trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đồng thời, cũng cần được đặt trong mối liên quan với các quy hoạch khác phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch.
Bình luận (0)