Mặc dù Bộ Công Thương đang xem xét rút phương án điện sinh hoạt một giá khỏi dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nhưng tại hội thảo "Giá điện sinh hoạt: Mức nào là hợp lý" do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội tổ chức ngày 20-8, một số chuyên gia cho rằng cần nghiên cứu phương án điện một giá với mức giá phù hợp hơn.
Hướng đến điện một giá
Theo PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, với biểu giá 5 bậc mà Bộ Công Thương đang xin ý kiến, chỉ có 1 bậc dưới mức giá bán lẻ điện bình quân, còn lại các bậc thang khác đều có mức giá trên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt đã được Chính phủ quy định, thậm chí bậc thang thứ 4, 5 rất cao lên đến hơn 160% giá điện bình quân. "Để chính xác, rất cần số liệu thống kê cụ thể về các hộ gia đình tiêu thụ điện ở từng mức sử dụng trong thời gian vừa qua, song cơ quan soạn thảo chưa công khai, minh bạch việc này" - ông Thịnh đề xuất.
Ông Đinh Trọng Thịnh đề xuất Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan cần nghiên cứu để tiến tới phương án điện một giá. Tuy nhiên, trong dự thảo vừa công bố, Bộ Công Thương lại đưa ra điện một giá với 2 phương án là 2.703 đồng và 2.890 đồng. "Mức giá này là quá cao, trong khi cơ quan soạn thảo không giải thích được cơ sở xây dựng nên người tiêu dùng phản đối" - ông Thịnh nói và đưa ra mức giá điện một giá khoảng 2.018 đồng/KWh sẽ phù hợp.
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), nhấn mạnh bình quân giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay là 1.864 đồng/KWh. Với giá này, ngành điện cũng đã có đủ lãi để tái đầu tư. Nếu điện đồng giá có mức cao hơn giá bán lẻ bình quân thì ngành điện sẽ tiếp tục ghi nhận lãi nhiều hơn nữa. Đây là điều chưa thỏa đáng nếu đặt trong tương quan lợi ích chung của ngành điện và người tiêu dùng.
Dù một giá hay bậc thang, người dân luôn yêu cầu phải được minh bạch giá điện
Đề xuất rút ngắn bậc giá điện
Bên cạnh phương án điện một giá, việc sửa đổi biểu giá 6 bậc thang hiện nay như thế nào cũng là vấn đề được các chuyên gia năng lượng, chuyên gia kinh tế đặc biệt quan tâm tại hội thảo. Theo TS Ngô Đức Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, với phương án giá điện sinh hoạt theo lũy tiến 5 bậc được Bộ Công Thương đưa ra, về nguyên tắc phải bảo đảm việc người nghèo được hỗ trợ, hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước.
"Mức 5 bậc đưa ra vẫn chưa chứng minh được nguyên tắc cơ bản nhất là doanh thu điện sinh hoạt của từng bậc trong các bậc thang từ khách hàng phải cân bằng với tổng doanh thu được tính theo giá điện bình quân. Do đó, nhiều khả năng sẽ lạm thu. Ngoài ra, tính theo nhiều bậc chứa đựng các yếu tố dẫn đến bất hợp lý, khó kiểm soát các bậc, lập lờ, thiếu minh bạch" - ông Lâm nói và đề xuất biểu giá điện sinh hoạt bậc thang điều hòa 3 bậc. Theo đó, bậc 1 sẽ từ 0-200 KWh; bậc 2 từ 200-400 KWh có mức giá bằng giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng và bậc 3 từ 400 KWh trở lên. Về mức giá của bậc 1 và bậc 3, ông Lâm cho rằng cần tính toán để bậc 3 đủ điều hòa, bù đắp cho bậc 1, bởi nhóm khách hàng bậc 1 là nhóm được hỗ trợ, có giá thấp hơn giá bán lẻ điện bình quân.
Góp ý về biểu giá điện bậc thang, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng có thể rút 6 bậc thang hiện nay xuống còn 3, 4 hoặc 5 bậc nhưng tốt nhất là 3 bậc. Theo phân tích của ông Thỏa, việc ghép các bậc lại với nhau để tăng khoảng cách tiêu thụ điện hợp lý, phù hợp với tình hình thực tế sử dụng điện hiện nay giữa các nhóm khách hàng.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cũng đề cập đến vấn đề cơ quan quản lý, ngành điện cần công bố công khai giá bình quân và giá bình quân từng bậc thang, công khai tỉ lệ tính giá từng bậc với bình quân chung và tỉ lệ tính giá từng bậc với giá bình quân của điện sinh hoạt, để bảo đảm công khai, minh bạch trong giá điện. Mức giá trung bình trong biểu giá điện phải phục vụ được số đông người tiêu dùng, mà số đông là sử dụng 300-400 KWh. "Cải tiến chính sách giá điện đòi hỏi minh bạch đầu vào, tuân thủ đúng quy định nhà nước là chỉ được hạch toán các chi phí liên quan, áp dụng giá thị trường, nhằm tiến tới thị trường bán lẻ cạnh tranh" - ông Thỏa nêu quan điểm.
Dùng nhiều không hẳn giàu, dùng ít không hẳn nghèo
PGS-TS Nguyễn Minh Duệ, nguyên Chủ nhiệm Khoa Kinh tế Năng lượng (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội), cho rằng với biểu giá điện bậc thang đang áp dụng hiện nay, khi xây dựng, cơ quan quản lý đã hướng đến nguyên tắc khuyến khích sử dụng tiết kiệm điện và hỗ trợ hộ nghèo, hộ có thu nhập thấp, đây là nhóm đối tượng vốn được mặc định là dùng ít điện.
Tuy nhiên, trên thực tế, có những gia đình rất đông nhân khẩu, sử dụng nhiều điện nhưng thuộc diện thu nhập thấp. Trong khi đó, nhiều hộ gia đình chỉ có 1-2 nhân khẩu, sử dụng ít điện và được hưởng giá thấp song họ có thu nhập cao. Như vậy, theo ông Duệ, người dùng nhiều điện chưa chắc đã giàu, người dùng ít điện không hẳn là nghèo. Chính vì thế, quan điểm về điện bậc thang để bảo đảm công bằng, hỗ trợ người có thu nhập thấp đã không còn ý nghĩa nếu xét trên góc độ thực tế.
Bình luận (0)