Cụ thể, khu phố ẩm thực nằm trên đường số 10, quận 6, TP HCM. Tính đến nay, "Phố ẩm thực" chính thức hoạt động hơn nửa năm và là một địa chỉ thu hút đông đảo người dân đến đây vui chơi, thưởng thức ẩm thực cả 3 miền.
Phố ẩm thực cửa ngõ phía Tây Sài Gòn nằm kế bên Galaxy Kinh Dương Vương, quận 6, TP HCM
Phóng viên: Vừa qua, tại quận 6, TP HCM xuất hiện "Phố ẩm thực". Xin ông nói rõ hơn về hoạt động nơi đây?
Ông Đoàn Quang Luân, Trưởng Phòng Kinh tế quận 6: Cách đây hơn chục năm cư xá Ra Đa, quận 6 xuất hiện vài quán ăn hè phố với quy mô hộ gia đình. Tuy nhiên sau đó, sự phát triển mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và đặc biệt sự phát triển dân cư khu vực lân cận gồm quận Bình Tân, quận 11 khiến nơi đây thu hút nhiều người đến ăn uống.
Tại đây gần 100 quán ăn được quy hoạch thành tuyến phố ẩm thực.
Trước thực trạng quán ăn, cửa hàng mọc lên ồ ạt và tình hình an ninh trật tự không được bảo đảm, UBND quận 6 đã thành lập "Phố ẩm thực". Ban đầu, vài cửa hàng tham gia đăng ký giấy phép kinh doanh, giấy an toàn vệ sinh thực phẩm thì nay đã có 52 hộ tự nguyện tham gia. Qua thống kê hiện trạng có đến 70% các căn hộ có mặt bằng ở đây đều tổ chức kinh doanh dịch vụ ăn uống, biến nơi đây trở thành một cộng đồng ẩm thực quy mô gần 100 cửa hàng.
- Qua ghi nhận, tại đây có nhiều món ăn đặc trưng 3 miền, sắp xếp trật tự theo các khu. Như vậy, việc kinh doanh các mặt hàng do người dân tự chọn hay quận đề nghị?
Đó là sự sắp xếp ngẫu nhiên do người dân tự bố trí, lựa chọn món ăn. Ở đây có cư xá Ra Đa là nơi ở của rất nhiều cán bộ người miền Bắc. Vì vậy, phần lớn đồ ăn mang hương vị Bắc, gần đây dân nhập cư từ miền Tây Nam bộ, miền Trung về Bình Tân sinh sống đông nên sản sinh thêm món ăn miền Nam, ẩm thực Khánh Hòa. Cạnh đó, có khu người Hoa cũng phát sinh thêm món ăn đậm chất của người Hoa. Nói chung, ở đây có nhiều món ăn, quán ăn khá đa dạng và đặc sắc.
- Khi hình thành phố ẩm thực địa phương có gặp những khó khăn gì không, thưa ông?
Khi thực hiện con phố này, UBND quận 6 xác định 100% xe máy phải để trên vỉa hè. Tuy nhiên sau đó, UBND TP ra thông báo việc để xe như vậy đã sai, vì mất đi phần đường dành cho người đi bộ. Ngay sau đó UBND quận cũng xin ý kiến của Sở GTVT và tìm phương án bố trí bãi xe phục vụ khách đến phố ẩm thực ăn uống hợp lý. Thế nhưng, chúng tôi cũng đang lo tâm lý của người dân quận 6 khác dân quận 1, là không có thói quen gửi xe nơi khác sau đó đi bộ gần 100m tới quán ăn.
Chúng tôi xác định, mô hình này dạng cộng đồng quản lý cộng đồng, không hình thành Ban quản lý hay can thiệp hành chính để vận hành con phố này.
- Vậy làm sao để kiểm soát vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an ninh trật tại phố ẩm thực?
Khu vực nơi đây phần lớn là đường nộ bộ và không có du khách nước ngoài nên việc cướp, giật rất khó xảy ra. Ngoài ra, hễ nơi đâu có đông người, trọng điểm chợ búa thì công an quận cũng bố trí các trinh sát công an.
Riêng các quán ăn chúng tôi đề nghị nên trang bị bàn, ghế inox và thường xuyên kiểm tra đột xuất vấn đền an toàn vệ sinh thực phẩm. Định hướng của UBND quận sắp tới thực hiện đồng bộ hóa khu vực này và kêu gọi các quán nên trang bị đồng phục cho nhân viên để dễ dàng nhận diện thương hiệu.
Nếu thời gian tới tình hình an ninh phức tạp hơn sẽ kêu gọi họ đóng góp để thuê bảo vệ.
Với những người hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè quận có sắp xếp về đây để có điều kiện mưu sinh?
Phố ẩm thực dành cho những người chấp hành pháp luật. Ở đây vỉa hè không có thì khó dành đất cho người hàng rong. Tuy nhiên UBND quận 6 đang lập đề án và dự kiến vài tháng tới sẽ cho ra mắt phố hàng rong quy mô 60-100 gian hàng trước chợ Phú Lâm, cách phố ẩm thực vài trăm mét.
Nơi đây sẽ là nơi hoạt động dành cho dân hàng rong có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Qua hai mô hình này sẽ hình thành chuỗi liên kết, khác đi ăn phố ẩm thực có thể qua phố hàng rong vài trăm bước, ngược lại.
Cám ơn ông!
Bình luận (0)