Phóng viên: Khi tái lập trật tự lòng lề đường, UBND quận 1 có chủ trương bố trí chỗ buôn bán cho người dân, ông có thể nói rõ hơn về chủ trương này?
- Ông Trần Thế Thuận: Đây không chỉ là chủ trương mà còn là quan điểm, đạo lý của người Việt Nam và chính quyền. Trong các nghị quyết của Thành ủy, chỉ đạo của UBND TP cũng nhấn mạnh khi tổ chức lại vỉa hè, không phải là đẩy đuổi người dân. Bên cạnh việc chấn chỉnh, xử lý tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường thì cũng rà soát các vị trí đủ điều kiện để tổ chức các phiên chợ cho người dân buôn bán, bảo đảm cuộc sống và không ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông. Chính quyền phải làm cho người dân hiểu được chủ trương này để họ đồng thuận và ủng hộ, như thế mới ổn định lâu dài.
Ông có thể nói rõ hơn về kế hoạch tổ chức “phố hàng rong” mà quận 1 đang thực hiện?
- “Phố hàng rong” là tên gọi chưa chính thức. Trong kế hoạch, quận tạm gọi là khu ẩm thực tập trung theo thời gian quy định. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn thích tên “phố hàng rong” như người dân và báo chí thời gian qua vẫn gọi thân quen như vậy.
“Phố hàng rong” là một mô hình mới mà quận 1 áp dụng để tổ chức lại công việc làm ăn, kinh doanh của người dân sau khi tái lập trật tự lòng lề đường, vỉa hè. Bước thứ nhất là học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp để nâng cao thu nhập, tổ chức lao động hợp lý. Một quầy hàng tuy nhỏ nhưng là nguồn thu nhập chính của cả gia đình họ nên khi sắp xếp lại phải tổ chức sao cho người dân duy trì được cuộc sống, nâng cao thu nhập.
Bước thứ hai là tổ chức cho họ buôn bán theo giờ. Quận 1 được chia làm 2 khu: trung tâm gồm các phường Bến Nghé và Bến Thành; còn lại là ngoại vi. Ở khu trung tâm, nếu để buôn bán trên vỉa hè thì ảnh hưởng đến mỹ quan, còn dẹp triệt để thì cuộc sống bà con bị ảnh hưởng. Do đó, quận đã đề xuất TP thành lập khu ẩm thực theo giờ có kiểm soát về an toàn vệ sinh thực phẩm, giá cả và trang bị bảo hộ lao động, bảo đảm mỹ quan. Địa điểm của “phố hàng rong” này sẽ được khảo sát lại thật kỹ để không ảnh hưởng đến giao thông, sinh hoạt, hoạt động của người dân và doanh nghiệp. Đề án này được Sở Công Thương, Sở Du lịch, Sở Giao thông Vận tải ủng hộ và UBND TP đánh giá cao. Mặt khác, quận cũng tính đến việc nếu đưa hết người buôn bán trên vỉa hè vào các khu ẩm thực thì chưa phù hợp do họ đã buôn bán quen tại khu phố, hẻm của mình ở khu vực ngoại vi. Do đó, quận sẽ ưu tiên những hộ nghèo không có khả năng chuyển đổi nghề nghiệp vào buôn bán trên những vỉa hè rộng hơn 3 m theo quy định của TP.
Quận 1 sẽ tổ chức phố đi bộ Bùi Viện như thế nào, nhất là vấn đề buôn bán của người dân nơi đây?
- Phố đi bộ Bùi Viện là một dự án khác của quận 1, xuất phát từ nhu cầu của du khách muốn thưởng thức cuộc sống TP HCM về đêm. Đây là mô hình đã được nghiên cứu, học tập ở một số nơi trong và ngoài nước.
Toàn khu vực này bao bọc bởi các tuyến đường khép kín Đỗ Quang Đẩu - Bùi Viện - Đề Thám. Trong giai đoạn đầu, quận 1 đề xuất thí điểm trên đường Bùi Viện do lòng đường tương đối rộng, các hoạt động liên quan đến du khách sẽ tổ chức ở đây. Sau thời gian thí điểm, nếu thấy hợp lý sẽ đề xuất TP cho thực hiện tiếp trên tuyến đường Đề Thám và Đỗ Quang Đẩu. Quận 1 cũng đang đề xuất thành lập một tour du lịch quận 1, còn gọi là City tour, để du khách có thể đi đến được phố Bùi Viện, con đường âm nhạc, phố ẩm thực, chợ phiên cuối tuần và kết nối các điểm du lịch truyền thống. Đề án phố đi bộ Bùi Viện đang được triển khai song song với phố ẩm thực và phố âm nhạc. Nếu 3 đề án được TP cho phép thì quận 1 có thể triển khai ngay trong quý II/2017.
Việc “đòi lại” vỉa hè liệu có quá khó khăn?
- Trách nhiệm lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường không chỉ ở phường mà ở cả quận và TP. Việc tổ chức lại vỉa hè giai đoạn 2 sẽ làm mạnh hơn ở yếu tố giữ vững lâu dài, tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận và giải pháp tổ chức đời sống người dân. Việc tái lập trật tự vỉa hè, lòng đường không có vùng cấm. Những tuyến đường nào phường đăng ký làm được thì giao cho phường; những tuyến đường còn khó thì đoàn công tác của quận do Phó Chủ tịch UBND quận Đoàn Ngọc Hải đích thân phụ trách.
Kiểm tra chéo
Ngày 14-3, ông Phạm Đăng Nam - Chủ tịch UBND phường 3, quận 3, TP HCM - đã chỉ đạo tháo dỡ chốt dân phòng khu phố 1 trên đường Cao Thắng. Chốt này là nơi tiếp nhận thông báo lưu trú và các lực lượng như công an, bảo vệ dân phố nghỉ ngơi khi tuần tra. Ông Nam cho biết phường tháo dỡ công trình lấn chiếm để làm gương cho người dân và tạo sự đồng thuận khi tháo dỡ những vật cản trên vỉa hè trước nhà họ. Phường đã sắp xếp vị trí mới cho lực lượng tuần tra ở bên trong chung cư.
UBND quận 3 đã có quyết định giao các phường kiểm tra chéo công tác chấn chỉnh vỉa hè. Cụ thể, lãnh đạo của phường này sẽ đi kiểm tra các phường khác để tránh tình trạng bao che, du di khi xử lý vi phạm. S.Đông
Hà Nội, Vũng Tàu lên kế hoạch “tác chiến”
Tại buổi làm việc với UBND quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội ngày 14-3, Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Hoàng Trung Hải, khẳng định các quận, phường phải thực hiện đồng bộ, kiên quyết trong việc siết chặt quản lý trật tự vỉa hè, không để người dân lấn chiếm trở lại. Với những trường hợp không chấp hành, cố tình tái lấn chiếm thì có thể rút giấy phép kinh doanh, với các hộ kinh doanh không bảo đảm vệ sinh môi trường cũng cần xem xét rút giấy phép.
Cùng ngày, UBND TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã họp triển khai kế hoạch lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP Vũng Tàu. Theo đó, từ ngày 15 đến 27-3, chính quyền địa phương sẽ phát thư ngỏ kêu gọi chung tay góp sức xây dựng TP. Từ ngày 28-3 đến 10-4, tổ chức vận động thực hiện tự tháo dỡ, di dời phần vi phạm. Đến ngày 15-4, ra quân xử lý vi phạm trên toàn địa bàn.
V.Hưởng - N.Giang
Bình luận (0)