Sáng nay 10-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ (Ban Chỉ đạo) chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo đánh giá tình hình trong 6 tháng đầu năm và phương hướng điều hành trong những tháng còn lại của năm 2018.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ - Ảnh: Thành Chung
Tại cuộc họp, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Nguyễn Anh Tuấn cho biết diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong 6 tháng đầu năm biến động tương đối sát với dự báo trước đó của các cơ quan liên quan.
Theo đó, tại phiên họp ngày 29-5-2018 của Ban Chỉ đạo, nhóm giúp việc dự báo CPI tháng 6 tăng khoảng 0,43%-0,85% và thực tế CPI tháng 6 chỉ tăng 0,61% (chịu tác động tăng chính do giá thịt heo tăng trong đó khoảng 0,34%). Theo Cục Quản lý giá, các nhân tố gây tăng giá trong nửa đầu năm 2018 chủ yếu xuất phát từ yếu tố thị trường, hầu như không có yếu tố tăng giá mới xuất hiện từ công tác điều hành của Chính phủ. Trước tình hình lạm phát có dấu hiệu tăng cao, Chính phủ đã chỉ đạo không tăng giá điện trong năm nay, giữ ổn định các mặt hàng do Nhà nước định giá trong tháng 6...
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhận định lạm phát tháng 6-2018 không có gì bất thường.
"Nếu loại trừ yếu tố giá thịt lợn tăng mạnh nhất thì lạm phát tháng này chỉ tăng 0,27%, có thể coi là mức tăng lạm phát của tháng thấp nhất từ trước tới nay"- Phó Thủ tướng nói.
Về chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết lãi suất cơ bản vẫn ở mức thấp (1,35%) và tăng trưởng tín dụng cả năm 2018 chỉ 17%, thấp hơn chỉ tiêu của năm 2017 và trong 6 tháng đầu năm tín dụng vẫn tăng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái (7,88% so với 9,06%).
Bên cạnh đó, cả nước đang xuất siêu 2,7 tỉ USD, thặng dư cán cân thanh toán lên tới 9 tỉ USD, lãi suất ổn định nên không phải là nguyên nhân làm tăng tỉ giá bất thường.
Ngoài ra, Cục Quản lý giá và Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng độc lập đưa ra 2 kịch bản điều hành giá trong những tháng cuối năm, theo đó, cả hai kịch bản đều bảo đảm lạm phát tăng cao nhất cũng khoảng 4%, nằm trong phạm vi cho phép của Quốc hội là khoảng 4%.
Cụ thể, kịch bản 1, lạm phát cả năm 2018 dao động từ 3,7%- 3,88%. Theo đó, ngay trong tháng 7, lạm phát sẽ giảm 0,2% so với tháng trước do giá dịch vụ y tế sẽ giảm 0,34%, giá xăng dầu (nếu không điều chỉnh) sẽ giảm 1%, tuy nhiên có yếu tố tăng giá từ giá thịt lợn, điện nước sinh hoạt, giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, giá gas thế giới.
Từ các tháng 8 cho tới tháng 12, lạm phát sẽ tăng so với các tháng trước đó do việc tăng giá các mặt hàng thịt lợn, xăng dầu, gas, dịch vụ giáo dục, thuế bảo vệ môi trường áp vào xăng dầu, ảnh hưởng của thiên tai bão lũ...
Kịch bản 2 là vẫn các yếu tố giá cả như trên nhưng ở mức tăng cao hơn thì kịch bản lạm phát bình quân của năm 2018 tăng so với năm 2017 là khoảng từ 3,9%-4%.
Để bảo đảm kiểm soát các mặt hàng giá cả, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng nếu tăng thuế bảo vệ môi trường thì nên tăng theo lộ trình, với lần đầu tăng khoảng 500 đồng/lít thay vì tăng thêm 1.000 đồng/lít xăng.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ khẳng định giá BOT đã ổn định cho các loại phương tiện sau khi bộ rà soát, quyết toán các trạm.
Đáng chú ý, đối với giá vé hàng không, theo Thứ trưởng Thọ, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không ổn định giá cả trong bối cảnh xăng dầu thế giới tăng và tỉ giá biến động.
"Nếu xăng dầu tăng quá mức thì chỉ đạo các hãng tăng nhẹ giá vé máy bay" - Thứ trưởng Lê Đình Thọ nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ
Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ GTVT rút kinh nghiệm xem xét lại cách điều hành giá vé máy bay trong thời gian qua, không điều chỉnh giá vé máy bay trong thời điểm người dân đi lại nhiều và đưa nội dung điều chỉnh giá vé máy bay, vé xe buýt vào phương án kiểm soát giá của bộ.
Đối với giá thịt lợn, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phải thận trọng, chưa cho tái đàn ồ ạt sẽ làm người nuôi thua thiệt. Bên cạnh đó, bộ này phải tính toán, điều hành cung cầu thịt lợn từ nay tới cuối năm bảo đảm các chỉ tiêu về sản lượng, giá cho từng tháng từ nay tới cuối năm như các mặt hàng khác.
"Bộ NN-PTNT cần có báo cáo riêng về điều hành giá thịt lợn, bảo đảm giữ giá thịt lợn như hiện nay và cố gắng giảm giá"- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu Bộ Y tế ngay trong năm 2018 tiếp tục đấu thầu ở Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam để giảm giá các mặt hàng thuốc chữa bệnh, vật tư y tế theo các chỉ đạo trước đây của Ban Chỉ đạo, kiến nghị với Chính phủ xây dựng nghị quyết cho thí điểm Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện đấu thầu vật tư thiết bị y tế do bảo hiểm y tế chi trả; giao Bộ Tài chính làm trọng tài để Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam rà soát, tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế trong thời gian tới.
Đối với giá dịch vụ công do Nhà nước định giá thì trong tháng 9 đã điều chỉnh tăng 0,07% học phí thì phải tính toán kỹ điều chỉnh các mặt hàng khác trong tháng này; chưa tính toán điều chỉnh giá dịch vụ y tế từ nay tới hết tháng 9.
Về các loại giá liên quan tới thị trường thì các bộ, ngành điều hành thông qua dự báo sát cung cầu, có tính toán tới các ảnh hưởng của thiên tai. Ví dụ với giá xăng dầu, Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khoá và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, không để xảy ra việc tác động tăng lạm phát "kép" đến từ việc tăng tỉ giá và giá xăng dầu thế giới.
Bình luận (0)