Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi, phát triển chăn nuôi heo với quy mô hợp lý; đẩy mạnh công tác phòng chống dịch; tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông các loại gia súc, gia cầm, nhất là đối với mặt hàng thịt heo trên địa bàn; ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá; khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp với nguồn cung thực phẩm trong nước.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, các nhà cung cấp lớn, các đơn vị phân phối lớn thịt heo để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ, giúp giảm giá thành bán lẻ đối với mặt hàng thịt heo, đảm bảo các chỉ số cân đối lớn về CPI theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thịt heo đang tăng giá quá cao dù không thiếu nguồn cung
Đồng thời, Bộ Công Thương chỉ đạo, phối hợp các cơ quan, lực lượng quản lý chuyên ngành tại biên giới tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại đối với mặt hàng thịt heo nhằm bảo vệ người tiêu dùng và người chăn nuôi trong nước...
Ngoài ra, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được giao chỉ đạo các cơ quan truyền thông thông tin đầy đủ, kịp thời và sát thực tế về nguồn cung và giá cả các mặt hàng thực phẩm, nhất là đối với thịt heo, bảo đảm không xảy ra việc tăng giá do yếu tố tâm lý.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), 10 ngày đầu tháng 8, giá heo hơi trong nước đạt mức cao kỷ lục trong nhiều năm. Tại một số tỉnh, thành ở miền Bắc, giá heo hơi xuất chuồng có thời điểm chạm mốc 57.000 đồng/kg. Đây được xem là mức giá cao nhất trong nhiều năm. So với năm 2017, giá thịt heo ở thời điểm này đã tăng gấp đôi.
Thống kê của Cục Chăn nuôi cho thấy nguồn cung heo thịt trong sản xuất có giảm so với cùng kỳ năm 2017 nhưng số lượng không lớn. Cụ thể, sản lượng thịt heo giảm khoảng 1,2% trong quý 1, sang đến quý 2 đã phục hồi tăng khoảng 0,4% và dự kiến tăng 1,5-2% vào quý I và IV.
Một chỉ số cho thấy tổng đàn chăn nuôi của Việt Nam không giảm là sản lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn tăng. Cụ thể, trong 7 tháng đầu năm 2018, Việt Nam đã chi 2,2 tỉ USD để nhập đậu nành, bắp, lúa mì làm thức ăn chăn nuôi, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2017.
Ghi nhận tại chợ đầu mối Hóc Môn (TP HCM), chợ sỉ thịt heo lớn nhất cả nước thì thời gian qua lượng heo về chợ vẫn đạt trung bình 5.000 con/ngày, không có hiện tượng thiếu hàng nhưng giá vẫn tăng.
Bình luận (0)