Ghi nhận của VnExpress sáng 13/2 (28 Tết - ngày giao dịch cuối năm) tại Hà Nội cho thấy, nhiều phòng giao dịch ngân hàng chật cứng khách ngồi chờ.
Lúc 9h sáng trước phòng giao dịch Ngân hàng BIDV trên đường Quang Trung (Hà Đông, Hà Nội), xe máy của khách tới giao dịch xếp hàng trong, ngoài. Trong phòng giao dịch lúc này khách đã lấy tới số thứ tự 57 nhưng mới có 10 người đầu tiên được giao dịch. Sốt ruột vì chờ gần tiếng đồng hồ nhưng vẫn chưa tới lượt, chị Thắm – kế toán một công ty xây dựng cho biết, lúc 8h chị tới đã có khoảng vài chục khách đứng lố nhố xếp hàng chờ nhà băng mở cửa.
"Do cần rút số tiền lớn trả thưởng cho anh em trong văn phòng nên tôi không thể rút tại máy ATM, đành phải quầy nhưng chờ cả tiếng vẫn chưa tới lượt", chị Thắm than thở.
Trong ngày giao dịch cuối năm, nhiều chi nhánh, phòng giao dịch đón hàng trăm khách hàng. Ảnh: HT
Tại chi nhánh của Vietcombank trên đường Ngô Quyền, các ghế dành cho khách ngồi chờ không còn chỗ trống. Chờ đợi từ đầu giờ sáng nhưng khi nhìn bảng số giao dịch, anh Trung (Hoàn Kiếm) không khỏi thở dài vì còn vài chục người mới tới lượt. Dù vậy anh vẫn kiên nhẫn chờ vì "có đông tới mấy rồi cũng tới lượt, không ảnh hưởng tới không khí vui vẻ dịp Tết".
Ở chi nhánh TPBank trên phố Duy Tân, trong buổi sáng ngày 28 Tết đã có hơn 200 lượt khách tới giao dịch. Tuy nhiên, tình cảnh chờ đợi quá lâu không diễn ra vì ngân hàng đã bố trí hơn 20 quầy teller được mở, hoạt động hết công suất.
Giám đốc chi nhánh một ngân hàng cho biết dù đã chủ động tăng cường quầy và nhân viên hướng dẫn nhưng vẫn quá tải. "Hôm qua (27 Tết), chi nhánh thực hiện giao dịch cho khoảng 800 lượt khách, tới 9h tối nhân viên mới được về. Tình cảnh tương tự cũng sẽ tái diễn trong ngày cuối cùng làm việc", vị này chia sẻ.
Ông cho biết thêm hai, ba ngày cận Tết bao giờ cũng là thời điểm các ngân hàng "căng sức làm" để phục vụ nhu cầu rút tiền, chuyển khoản. Một số người do phải chờ quá lâu tỏ ra sốt ruột, to tiếng với nhân viên khiến không khí thêm căng thẳng.
Khác với cảnh tượng đông nghẹt thở tại chi nhánh các ngân hàng lớn, cảnh tượng ở một số phòng giao dịch nhà băng nhỏ lại vắng hoe. Mở cửa đã hơn một tiếng nhưng tới gần 9h sáng, phòng giao dịch trên đường Nguyễn Khuyến chỉ có ba nhân viên và bảo vệ chờ khách. Tình cảnh tương tự cũng diễn ra với chi nhánh một nhà băng khác trên đường Tô Hiệu.
Trong khi đó, hệ thống máy ATM, Internet Banking của các nhà băng liên tục trong tình trạng "treo máy" khiến khách hàng không thể rút hoặc gửi tiền, đành vào giao dịch tại quầy.
Ở một ATM trên phố Xuân Thủy (Hà Nội), gần chục khách đứng thành hàng dài lố nhố. Với hạn mức rút 3 triệu đồng mỗi lần giao dịch liên ngân hàng, nhiều khách loay hoay gần 15 phút vẫn không thể rút đủ số tiền như mong muốn. Vừa rút được 2 lần, máy ATM bị treo khiến anh Thành bức xúc. "Từ sáng tôi chạy dọc khu vực Cầu Giấy mà không rút nổi. Tới máy ATM thứ 5 này mới rút được 2 lần thì máy đã "đơ", vào chi nhánh ngân hàng giờ này cũng không biết xếp hàng tới khi nào mới đến lượt", anh bức xúc.
Trong khi các phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng đông nghẹt thì nhiều máy ATM của các nhà băng báo tạm ngừng hoạt động. Ảnh: QT
Không riêng trường hợp của anh Thành, hệ thống Internet Banking của nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, TPBank… cũng ghi nhận tình trạng quá tải, giao dịch thực hiện được, tài khoản bị trừ tiền nhưng đối tác lại không nhận được. Có trường hợp khách hàng truy cập hệ thống ebank thành công nhưng khi thanh toán lại không nhận được mã OTP hoặc hệ thống eToken bị lỗi không nhận được mã xác thực.
Về sự cố treo Internet Banking, lãnh đạo một ngân hàng chia sẻ, một phần là do lượng truy cập tăng quá cao dẫn đến quá tải, phần khác còn do hạ tầng Internet của Việt Nam bị chập chờn nên đã ảnh hưởng đến đường truyền giao dịch. Ngân hàng đã cử nhân viên kỹ thuật trực 24/7 những ngày này đảm bảo khắc phục sự cố trong thời gian ngắn nhất.
Bình luận (0)