Trong báo cáo về tình hình kinh tế xã hội gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá “Nợ công tuy vẫn nằm trong giới hạn an toàn nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn”. Các chuyên gia kinh tế cũng tỏ ra lo ngại khi nợ công đang tăng nhanh.
Con số báo cáo thấp hơn thực tế
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 3 năm tới, Việt Nam phải huy động vốn trái phiếu Chính phủ rất lớn để bù đắp bội chi, đảo nợ và đầu tư. Khối lượng huy động mỗi năm bình quân khoảng trên 400.000 tỉ đồng. Việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, dẫn đến tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao.
Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính, trong đó huy động qua ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác chiếm 12%. Như vậy có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền của hệ thống ngân hàng chỉ tập trung vào trái phiếu mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất kinh doanh.
Năm 2013, lãi suất thị trường ít chịu tác động của việc phát hành trái phiếu Chính phủ do đầu ra tín dụng cho sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, việc phát hành lượng trái phiếu Chính phủ quy mô lớn sẽ có nhiều tác động tiêu cực đến mặt bằng lãi suất, chi phí vốn vay của doanh nghiệp và lạm phát trong năm 2014 cũng như các năm tiếp theo.
Lo ngại về nợ công còn lớn hơn nhiều với góc nhìn của các chuyên gia kinh tế. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên cho rằng Việt Nam có xu hướng đánh giá thấp nguy cơ của nợ công hơn thực tế. Quan niệm về nợ công chưa thực sự rõ ràng, còn nhiều điểm khác với quốc tế, số liệu còn khác nhau, sai số quá lớn và chuẩn mực đo không thống nhất.
Đáng lo ngại là nợ công lớn về quy mô và có xu hướng gia tăng nhanh. Mức độ an toàn nợ công đang giảm mạnh với mức độ đáng quan ngại, thể hiện qua năng lực tăng thu ngân sách để trả nợ trong nước và năng lực tăng trưởng xuất khẩu trong quan hệ với tăng trưởng nhập khẩu để trả nợ nước ngoài đều có nguy cơ suy giảm nhanh.
Cần phải hạn chế bội chi ngân sách
Trong kế hoạch vay và trả nợ năm 2014 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng số vốn vay trong nước là 367.000 tỉ đồng. Bao gồm vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước là 197.000 tỉ đồng, phát hành trái phiếu cho đầu tư là 100.000 tỉ đồng và đảo nợ khoảng 70.000 tỉ đồng.
Nhưng theo tính toán của các chuyên gia tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân do Ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức thường niên, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ năm 2014 lên tới gần 209.000 tỉ đồng, cao gần gấp đôi so với gần 129.000 tỉ đồng năm 2013 và 134.000 tỉ đồng năm 2012.
Một số chuyên gia cảnh báo mối nguy hiểm của nợ công hiện nay là tuổi nợ bình quân chỉ có 3,3 năm. Như vậy, vừa vay về đầu tư dự án, chưa kịp hoạt động đã đến kỳ phải trả nợ. Bên cạnh đó, vấn đề nghiêm trọng của nợ công là nợ đang tăng nhanh, vay đầu tư mới ít trong khi mức trả nợ cũ lớn.
Theo các chuyên gia, muốn giảm nợ công không còn cách nào khác là Chính phủ cần phải hạn chế bội chi ngân sách, siết chặt kỷ luật tài khóa. Đồng thời Quốc hội cần có phiên thảo luận riêng để bàn lại về nợ công, xem thực chất vấn đề là gì, không thể yên tâm nói rằng “nợ công vẫn ở ngưỡng an toàn”.
Bình luận (0)