Ngày 17-6, với 90,68% đại biểu tán thành, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) vừa được thông qua, đã bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp (Điều 199a). Theo lý giải của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trong quá trình thảo luận về dự thảo luật, một số ý kiến đồng ý với việc quy định một chương về hộ kinh doanh; một số ý kiến khác đồng ý xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Phần lớn hộ kinh doanh chưa muốn "lên" doanh nghiệp - Ảnh: Tấn Thạnh
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội. Theo đó, có 174/433 đại biểu (chiếm 40,18%) đồng ý quy định một chương về hộ kinh doanh trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); 258/433 đại biểu (chiếm 59,58%) tán thành việc xem xét, ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh.
Trên cơ sở đa số ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VIIa về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành doanh nghiệp.
Đồng thời, để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh. Hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh.
Cũng theo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), doanh nghiệp sẽ không phải thông báo mẫu dấu với cơ quan quản lý kinh doanh.
Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng quy định rõ những tổ chức, cá nhân không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam, như cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng tài sản Nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình.
Kết quả biểu quyết thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)
Cán bộ, công chức, viên chức; sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân và Công an nhân dân Việt Nam cũng không được thành lập và quản lý doanh nghiệp, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước.
Ngoài ra, cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp Nhà nước; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính… cũng trong diện không được lập và quản lý doanh nghiệp.
Bình luận (0)