Nhiệm vụ này không chỉ tập trung vào đầu mối chuyên ngành là Bộ Tài chính mà Bộ Công an cũng được Chính phủ yêu cầu kiểm tra, xử lý các trường hợp trốn thuế, gian lận thuế, giả mạo hồ sơ giấy tờ để chiếm đoạt thuế.
Cán bộ Cục Thuế TP HCM hướng dẫn doanh nghiệp làm thủ tục kê khai thuế Ảnh: Hồng Thúy
Trong cơ cấu ngân sách nhà nước hiện nay, tiền đóng thuế hằng năm chiếm khoảng 70%, giữ vai trò chủ đạo và chi phối toàn bộ hoạt động nền kinh tế. Vì vậy, từ năm 2007, Bộ Tài chính và Bộ Công an đã ký quy chế phối hợp giữa 2 bên trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực thuế. Từ đó đến nay, 2 cơ quan đã có 27.516 công văn, tài liệu liên quan đến lĩnh vực thuế. Trên cơ sở này đã phát hiện, xử lý hình sự 218 vụ vi phạm chính sách pháp luật thuế và xử lý hành chính 10.155 vụ, thu hồi cho ngân sách 782 tỉ đồng.
Lập doanh nghiệp “ma” để gian lận thuế
Lĩnh vực chủ yếu được 2 bộ tập trung phối hợp đấu tranh ngăn ngừa, xử lý là các vi phạm về thuế GTGT. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, việc hoàn thuế cho doanh nghiệp “ma”, doanh nghiệp xuất khẩu khống hàng hóa đang gây thiệt hại không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Do thủ tục thành lập doanh nghiệp thông thoáng, hiện cả nước có khoảng 50.000-55.000 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động kinh doanh là một khu vực tiềm ẩn rủi ro lớn về thuế. Một số vụ án liên quan đến lĩnh vực này có thể kể đến trường hợp Nguyễn Văn Nhi thành lập 10 công ty để mua hóa đơn GTGT với tổng doanh số sau thuế hơn 4.000 tỉ đồng, thiệt hại hơn 390 tỉ đồng thuế GTGT. Nguyễn Văn Phui, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hữu Tài (Cần Thơ), sử dụng 136 hóa đơn GTGT của 17 công ty có trụ sở ở TP HCM để thực hiện khấu trừ đầu vào hơn 4 tỉ đồng. Ngoài ra còn xuất bán 708 hóa đơn GTGT cho 109 công ty ở các tỉnh, thành phố với tổng doanh số hơn 42,2 tỉ đồng, gây thiệt hại về thuế GTGT khoảng 11 tỉ đồng… Thậm chí, có hiện tượng một người thực chất hành nghề xe ôm nhưng đứng tên thành lập tới 40 doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho biết đến nay, ngành thuế đã kiến nghị khởi tố 23 vụ liên quan đến lừa đảo hoàn thuế GTGT, năm 2012 đã thu hồi 360 tỉ đồng tiền hoàn thuế GTGT.
Bộ Công an cũng cho rằng thời gian qua, các vụ án mới tập trung vào lĩnh vực thuế GTGT, còn các lĩnh vực khác chưa được tập trung theo dõi phá án. Trong đó có các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập tái xuất, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế. Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá trong các doanh nghiệp có vốn nước ngoài cũng chưa được đề cập sâu vì tìm được bằng chứng để xác định doanh nghiệp chuyển giá là không đơn giản.
Bình luận (0)