Ngày 2-1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) và BCĐ Phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị
Giả mạo xuất xứ gia tăng
Báo cáo của BCĐ 389 cho thấy năm 2019, hàng hóa giả mạo nhãn mác, xuất xứ của Việt Nam để tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và có chiều hướng gia tăng. Nhấn mạnh về thủ đoạn tinh vi, diễn biến phức tạp của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan, nhắc lại các vụ việc của Công ty CP Điện tử Asanzo, vụ lô nhôm trị giá 4,3 tỉ USD, vụ lô xe đạp điện Trung Quốc giả xuất xứ Việt Nam.
Ông Cẩn cho rằng khoảng trống pháp lý quy định về xuất xứ Việt Nam đang khiến lực lượng thực thi pháp luật gặp nhiều khó khăn trong quá trình truy xét, làm rõ hành vi. "Chúng tôi tốn rất nhiều thời gian để họp liên ngành, làm việc với VKSND Tối cao để xác định đúng bản chất của việc gian lận xuất xứ, bởi thiếu các căn cứ để đối chiếu" - ông Cẩn nói.
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), cho biết gian lận thương mại, hàng giả trên thương mại điện tử có nhiều thủ đoạn rất mới. Việc phân phối, bán hàng trên mạng bùng nổ, người mua người bán không gặp mặt, kho hàng không có địa chỉ rõ ràng nên cơ quan chức năng rất khó kiểm soát.
Hàng tấn ma túy không thể "từ trên trời rơi xuống"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan liên quan làm rõ chức năng nhiệm vụ, nêu rõ người chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống tội phạm và chống gian lận thương mại, buôn lậu, hàng giả, để không xảy ra tình trạng "cha chung không ai khóc". Thủ tướng cho rằng hàng tấn ma túy vừa bị phát hiện ở nước ta không thể "từ trên trời rơi xuống được", các lực lượng liên quan cần làm rõ đường đi để ngăn chặn, triệt phá.
Cho rằng người dân chưa có thói quen quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cho rằng đây là một trong những khó khăn trong quá trình ngăn chặn tình trạng gian lận xuất xứ, buôn lậu, hàng giả hàng nhái. Tại địa bàn TP HCM, các đối tượng buôn lậu, hàng giả sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi gây khó cho công tác kiểm tra, xử lý, trong khi đó năng lực cán bộ chưa theo kịp thay đổi của thực tế, công tác phối hợp giữa các ngành chưa nhuần nhuyễn.
Lắp camera giám sát đường biên
Về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm năm 2019, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết cơ quan chức năng đã điều tra, khám phá nhanh các vụ trọng án, vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng về ma túy, kinh tế, tham nhũng, công nghệ cao. Tuy nhiên, BCĐ 138 thừa nhận một số loại tội phạm có xu hướng liên kết hình thành các băng nhóm, sử dụng vũ khí nóng, các loại tội phạm cướp ngày càng manh động, tội phạm liên quan đến ma túy, tín dụng đen chưa được kiểm soát hiệu quả.
Công tác quản lý người nước ngoài gặp nhiều bất cập là một trong những nội dung được nêu ra tại hội nghị. Theo một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, năm 2019 tỉnh này có 6 triệu lượt khách du lịch trong đó có người nước ngoài đến tham quan, tạm trú và làm ăn kinh doanh. Trong năm, địa phương đã phát hiện, xử lý hành chính và hình sự 654 đối tượng người nước ngoài, chủ yếu là người Trung Quốc nhập cảnh bất hợp pháp và vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam. Đại diện tỉnh này cho biết địa hình biên giới phức tạp với trên 40 đường mòn, lối mở gây thách thức cho địa phương trong việc quản lý người nước ngoài. Tỉnh Quảng Ninh kiến nghị Chính phủ cho phép sử dụng một phần ngân sách trung ương và địa phương để xây kè ở khu vực song sát biên giới, xây hàng rào và lắp camera khu vực đường biên để theo dõi, giám sát.
Đại diện BCĐ 138, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, chỉ rõ những bất cập trong công tác quản lý người nước ngoài khi thời gian qua xảy ra các vụ việc lừa đảo, chiếm đoạt tài sản hay đánh bạc qua mạng với quy mô lớn do người nước ngoài tổ chức. Điển hình là vụ hàng trăm người Trung Quốc tổ chức đánh bạc ở TP Hải Phòng bị công an triệt phá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Không giữ được bình yên của đất nước, gian lận thương mại, hàng giả, buôn lậu còn tràn lan thì không thể phát triển kinh tế". Thủ tướng đặt vấn đề "có tình trạng bảo kê hay không?", "Lót tay bao nhiêu cho một kiện hàng?". Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt để xử lý dứt điểm tình trạng giả xuất xứ, gian lận thương mại, buôn lậu. Đồng thời, có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả tội phạm ma túy, tội phạm công nghệ cao, tín dụng đen, các băng nhóm…
Bình luận (0)