Đó là khẳng định của bà Vũ Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính, tại hội thảo kinh nghiệm quốc tế về chống gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại, do Tổng cục Hải quan tổ chức ngày 14-11.
Bà Mai cho biết Việt Nam nhận thấy nguy cơ bị mượn đường và hàng hóa nước ngoài lợi dụng giả mạo xuất xứ Việt Nam xuất khẩu sang các nước đối tác trong Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên để hưởng thuế suất ưu đãi. Một số sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu từ Việt Nam sang châu Âu được phát hiện chuyển tải từ Trung Quốc qua các cuộc điều tra chống bán phá giá chính thức như xe đạp, kẽm, giày, mũ da...
Theo ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), trong 6 tháng đầu năm 2019, một số nhóm mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng đột biến lớn hơn 25% so cùng kỳ năm 2018, như máy vi tính, sản phẩm linh kiện điện tử, nhôm, sắt thép, gỗ... nên hải quan xếp vào nhóm có tiềm ẩn nguy cơ lớn về gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, một số nhóm hàng khác như dệt may, da giày, thủy sản, giấy cũng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao. Đáng chú ý, hải quan phát hiện nhiều vụ hàng hóa Trung Quốc lợi dụng xuất xứ Việt Nam để xuất đi nước khác. Ngoài ra, còn có thủ đoạn doanh nghiệp chế xuất 100% vốn nước ngoài, nhập khẩu linh kiện từ Trung Quốc về Việt Nam, lắp ráp đơn giản các cụm linh kiện để xuất sang nước thứ ba.
Lô hàng phụ kiện điện thoại nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng đã có sẵn chữ “Made in Viet Nam”. (Ảnh do Hải quan Hải Phòng cung cấp)
Từ kinh nghiệm phòng chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp của Mỹ, ông Claudio Dordi, Giám đốc dự án tạo thuận lợi thương mại (thuộc Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ tại Việt Nam - USAID), cho rằng các doanh nghiệp có rất nhiều thủ đoạn để gian lận xuất xứ nhằm vượt qua sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng. Sản phẩm ở một nước khác được chuyển qua Việt Nam, sau đó xuất đi nước thứ ba nhưng gần như nguyên trạng ban đầu, không có sự thay đổi nào về vật lý.
Thứ trưởng Vũ Thị Mai nhấn mạnh một nền kinh tế mở như Việt Nam với 12 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA đã ký và 3 FTA đang đàm phán sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để hưởng ưu đãi thuế quan. Trước thực tế này, Chính phủ Việt Nam đã triển khai nhiều biện pháp để chống gian lận thương mại, chuyển tải bất hợp pháp. Trong đó, Cục Hải quan các tỉnh, TP đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc khai báo xuất xứ trên tờ khai hải quan và việc ghi nhãn hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, phân tích các số liệu thống kê xuất nhập khẩu để xác định danh sách các mặt hàng trọng điểm, có rủi ro cao về nghi vấn gian lận xuất xứ.
Ông Âu Anh Tuấn cho biết: "Một giải pháp khác mà chúng tôi đánh giá rất cần thiết là phối hợp với các hiệp hội đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng có lượng xuất nhập khẩu tăng đột biến, xác định doanh nghiệp có rủi ro gian lận".
Bình luận (0)